Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối năm, lãi suất tăng hay giảm?

Hà Linh| 27/09/2016 07:00

(HNM) - Sau nhiều tuần giảm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại, cho thấy nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng đang cao hơn.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần đầu tháng 9 cho thấy, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt gần 118.407 tỷ đồng (bình quân 29.602 tỷ đồng/ngày), tăng 3.742 tỷ đồng/ngày so với trước, bằng USD quy đổi ra VND đạt 72.230 tỷ đồng (18.058 tỷ đồng/ngày), tăng 1.461 tỷ đồng/ngày. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 1 tuần (39% tổng doanh số VND) và kỳ hạn qua đêm (32%). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm (47%) và 1 tuần (14%). Lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng lên 0,55%/năm, 1 tuần: 0,6%/năm và 1 tháng: 1,94%/năm. Lãi suất USD cũng tăng với hầu hết các kỳ hạn chủ chốt, trong đó kỳ hạn qua đêm tăng lên 0,45%/năm, 1 tuần: 0,51%/năm và 1 tháng: 0,7%/năm. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng sau một thời gian dài ở mức thấp cho thấy nhu cầu về vốn đã "nóng" trở lại, nhưng so với những năm trước, đây vẫn là biểu lãi suất khá hấp dẫn.

Ảnh minh họa từ internet


Cùng chiều với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động cũng nhích nhẹ nhưng chủ yếu với kỳ hạn dài. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức: 0,8-1%/năm (tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng), 4,5-5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng), 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng), 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên sát 8%/năm, nhưng chỉ là cá biệt, không diễn ra phổ biến ở các ngân hàng. Bởi vậy, lãi suất cho vay vẫn ở ngưỡng "dễ thở", trong đó đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn: 6-7%/năm, dài hạn: 9-10%/năm. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, lãi suất được áp dụng là 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn khá thấp, chỉ dừng ở 4-5%/năm. Đại diện các ngân hàng đều cho rằng, để bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền, việc các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng ở mức 5-6%/năm là phù hợp. Với lãi suất cho vay, nếu các ngân hàng cộng thêm 3% biên độ so với lãi suất huy động để có mức "đầu ra" 8-9%/năm là chấp nhận được.

Lãi suất cho vay VND chỉ nhích nhẹ với biên độ +3-4%/năm so với lãi suất huy động, trong khi lãi suất cho vay USD lại khá cao. Hiện, lãi suất cho vay USD ngắn hạn được áp dụng phổ biến ở mức 2,8-5%/năm, trung, dài hạn: 5,1-6%/năm. Rõ ràng, lãi suất huy động USD vẫn đang bị NHNN áp trần là 0%, liệu các ngân hàng có "lách" quy định của NHNN với "chiêu" cộng thêm lãi suất huy động USD để cố gắng "lôi kéo" người gửi tiền hay không mà lãi suất cho vay cao nhất lại "leo" tới 6%/năm. Mặc dù mức này vẫn thấp hơn so với cho vay VND lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, nhưng lại quá cao so với lãi suất huy động USD.

Với diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng như vậy, lãi suất cho vay sẽ ra sao trong 3 tháng cuối năm? Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng tăng đều qua các tháng vừa qua cho thấy thị trường đã chấp nhận mặt bằng lãi suất hiện tại, doanh nghiệp thấy mức lãi suất hợp lý, có thể bảo đảm kinh doanh mới chấp nhận vay. Nếu muốn giảm lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, nền kinh tế phải ổn định, lạm phát phải thấp hơn khoảng 2% so với hiện nay. Nhưng với thực trạng của nền kinh tế nước ta, sự ổn định chỉ mang tính tương đối, nên bài toán bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền là điều các ngân hàng phải hướng tới. Nếu kéo lãi suất xuống mức thấp hơn, cả người vay và người cho vay đều dễ dãi, từ đó tạo áp lực lạm phát, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế; còn ngược lại, nếu lãi suất cao, người vay sẽ cẩn thận hơn. Mặt thiếu tích cực của lãi suất cao là chi phí vốn sẽ "đội" lên, nhưng đó lại là công cụ để cân bằng thị trường và trong bối cảnh như hiện nay, lãi suất cao lại có lợi cho nền kinh tế.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chưa tính tới việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong những tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ rơi vào khoảng 3,5-4%. Nếu mức lạm phát này diễn ra đúng như dự báo, để mang lãi suất thực dương cho người gửi tiền, các ngân hàng có lãi suất huy động VND đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 5-6%/năm là phù hợp. Lãi suất cho vay khó có thể thấp hơn 9-10%/năm do các ngân hàng phải cộng biên độ 3-4%/năm của lãi suất huy động VND. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, từ nay đến cuối năm, giữ lãi suất ổn định là phù hợp, không cần thiết phải kéo lãi suất xuống thấp hơn, nhưng cần cố gắng không đẩy lãi suất lên cao nữa vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm, lãi suất tăng hay giảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.