Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngân hàng di động” Ví Việt

Đức Anh| 06/10/2016 06:42

(HNM) - Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đánh giá là cách sử dụng tiền thông minh, tránh rủi ro cho người sử dụng vì không phải mang theo tiền mặt. Bởi vậy, nhiều ngân hàng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, trong đó đáng chú ý là sản phẩm Ví Việt của LienVietPostBank, được coi như một ngân hàng di động...


Với chiếc điện thoại thông minh (smart phone) có kết nối internet, thông qua tài khoản Ví Việt, khách hàng có thể thanh toán các loại tiền điện, nước, internet mọi lúc mọi nơi chỉ bằng vài thao tác. Đặc biệt, để sử dụng dịch vụ này, khách hàng chỉ cần đăng ký online, không phải ra quầy giao dịch của ngân hàng. Song, điều đáng nói là chức năng của Ví Việt không chỉ dừng lại ở việc chi trả hóa đơn dịch vụ, mà còn có thể chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, nạp tiền điện thoại, trả nợ thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm trực tuyến, mua sắm qua mạng đến quản lý tài khoản, sử dụng các dịch vụ ngân hàng…

Chị Hồng Minh (phố Trần Hưng Đạo), một khách hàng đã sử dụng Ví Việt cho rằng, đây là một trong những sản phẩm tạo bước đột phá về công nghệ cũng như dịch vụ ngân hàng. Với những tính năng đa dạng của sản phẩm này, Ví Việt là điểm nhấn lớn đối với dịch vụ ngân hàng vì tính tiện lợi mang đến cho người sử dụng.

Trên thực tế, thị trường đang đón nhận sản phẩm Ví Việt một cách tích cực, mỗi ngày có thêm hàng nghìn tài khoản mở mới sử dụng. Theo LienVietPostBank, công nghệ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nếu ngân hàng chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ sẽ “thắng” trong cuộc đua dịch vụ ở giai đoạn hội nhập. Đây cũng là lý do và động lực để LienVietPostBank đầu tư nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm Ví Việt, được coi như một ngân hàng di động giúp xóa mọi khoảng cách về địa lý và thời gian, để khách có thể làm chủ các tiện ích ngân hàng bằng thiết bị di động có kết nối internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn, bởi có tới 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa. Để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng của Ví Việt, gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết, tiềm năng phát triển của Ví Việt đối với phụ nữ Việt Nam đặc biệt là các bà, các mẹ trong chi tiêu hằng ngày rất lớn. Dự án này sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm ngân hàng, cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ, phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim - thẻ...) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh. Với mục đích, ý nghĩa của dự án, cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện từ 4 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, "Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ Quỹ Đầu tư phát triển Liên hợp quốc (UNCDF).

Dự kiến trong vòng 2 năm (từ tháng 9-2016 đến hết tháng 8-2018), dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.

Giám đốc UNCDF, ông Hussain cho rằng, LienVietPostBank đã khởi động dự án sáng kiến đầy ý nghĩa này tại Việt Nam, bởi khách hàng mà dự án hướng tới là phụ nữ, những người dân vùng sâu, vùng xa - những đối tượng được coi là yếu thế trong xã hội. Đó cũng là lý do trong số hàng trăm hồ sơ nộp, Ví Việt là dự án duy nhất giành được gói tài trợ của UNCDF. Mặc dù dự án này tham vọng hướng tới 500 nghìn khách hàng là phụ nữ trong 2 năm, nhưng tin rằng dự án này sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngân hàng di động” Ví Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.