Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối năm, tỷ giá có biến động mạnh?

Hương Thủy| 28/10/2016 08:52

(HNMO)-Thông thường vào cuối năm, tỷ giá VND/USD tăng bởi nhu cầu cao về USD của doanh nghiệp để nhập hàng hóa phục vụ Tết. Vậy, từ nay đến cuối năm nay cặp tỷ giá này có biến động mạnh?


Có thể nói, trong hơn hai quý kể từ đầu năm, thị trường ngoại hối diễn biến ổn định. Kể từ giữa tháng 8, tỷ giá tham chiếu trung tâm liên tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng dần, tính đến ngày 14/10, được niêm yết ở mức 22.011 VND/USD, tăng khoảng 0,8%.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 vừa được công bố, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, diễn biến trên có thể được nhìn nhận như việc điều chỉnh linh hoạt từ phía cơ quan điều hành trong bối cảnh một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ và bảng Anh; đồng thời cũng có thể xem như bước chuẩn bị cho nhu cầu ngoại tệ có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12.

Từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND/USD được dự báo tăng khoảng 1% (ảnh minh họa, nguồn; Internet)


Trong khi đó, bất chấp diễn biến tăng của tỷ giá trung tâm, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì và giữ vững sự ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều ngân hàng thương mại phổ biến vào khoảng 22.330-22.350 VND/USD.

Cũng theo VCBS, nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cụ thể, thặng dư thương mại tiếp tục nới rộng và đạt 2,77 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm; vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực với con số 11,02 tỷ USD và dòng ngoại tệ từ những thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bồi thường môi trường.

Ngược lại, nhu cầu ngoại tệ trong suốt thời gian qua cũng không lớn khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc đi cùng với nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh cũng chậm lại và tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ giảm bớt đáng kể trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là từ Mỹ và đồng USD, không có nhiều biến động và thị trường ngoại hối trong nước ổn định.

Diễn biến trên cũng được thể hiện rõ qua con số về cán cân thanh toán tổng thể. Số liệu từ NHNN cho thấy, đến quý III/2015, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể đạt đến hơn 6,5 tỷ USD. Sang năm 2016, số liệu đến hết quý 2/2016 cho biết, cán cân thanh toán tổng thể đã ghi nhận mức thặng dư hơn 3,2 tỷ USD. Trong quý III/2016, mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng với việc nền kinh tế không có nhiều đột biến thì ước tính mức thặng dư của cán cân thanh toán tổng thể sẽ được duy trì hoặc thậm chí gia tăng. Trong bối cảnh này, NHNN đã liên tục mua vào USD để củng cố dự trữ ngoại hối và tăng tiềm lực nhằm có thể can thiệp thị trường khi cần thiết.

Tuy nhiên, những ngày vừa qua, giá USD trên thị trường ngân hàng có sự biến động đáng kể. Giá liên tiếp được điều chỉnh theo xu hướng tăng, có nơi niêm yết bán ra ở mức 22.390 VND.

Trước diễn biến này, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá biến động những ngày qua chỉ là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, không phải tăng do ảnh hưởng từ những yếu tố cơ bản bởi kinh tế vĩ mô tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng nhưng là mức tăng hợp lý, kiểm soát lạm phát tốt, thanh khoản ngân hàng dồi dào.

Dự báo về tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm, chuyên gia này cho hay, tỷ giá có thể tăng khoảng 1% bởi nhu cầu về USD tăng lên do doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị Tết; nhiều nước trong khu vực tăng tỷ giá nên tỷ giá VND/USD cũng cần điều chỉnh tăng nhằm giúp hàng hóa trong nước xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, Fed có thể nâng lãi suất vào tháng 12.

Còn VCBS nhận định, những tháng cuối năm, dưới áp lực theo tính chất mùa vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm và Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 12, tỷ giá có thể sẽ tăng.

“Tuy nhiên, mức biến động nếu có cũng sẽ không lớn. Tỷ giá sẽ không biến động quá 1% cho cả năm”, VCBS dự báo.

Lý do được công ty này đưa ra là nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền; mặc dù có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần trong năm nay nhưng định hướng chung vẫn sẽ rất thận trọng và từ từ. Bên cạnh đó, cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào và vượt trội so với cầu ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm, tỷ giá có biến động mạnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.