Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động: Kênh đầu tư hấp dẫn

Hà Linh| 06/12/2016 06:55

(HNM) - 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX), 320 DN giao dịch trên sàn UPCOM, sau 20 năm, thị trường chứng khoán đã đạt tổng giá trị vốn hóa 75,61 tỷ USD (tính đến ngày 15-11), tương đương 37,8% GDP.

Thị trường chứng khoán có bước phát triển ổn định trong khoảng 2 năm trở lại đây. Ảnh: Khánh Nguyên


Bước đi vững vàng

Câu chuyện Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sắp lên sàn chứng khoán trong những ngày tới; cũng như việc thoái vốn nhà nước khỏi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã liên tục làm “nóng” dư luận. Cũng dễ hiểu bởi đây là những DN có lợi nhuận cao, liên tiếp tăng trưởng trong thời gian qua. Đặc biệt, Sabeco được định giá khoảng 70.000 tỷ đồng, tương đương 3,15 tỷ USD, rất có thể lọt vào danh sách những DN có vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam. Được biết, hiện Nhà nước đang nắm 89,59% vốn tại Sabeco và dự kiến sẽ thoái vốn theo 2 đợt, trong năm 2016-2017.

Qua đó cũng cho thấy, TTCK đang là kênh hút vốn đầu tư hấp dẫn. Trải qua nhiều thăng trầm trong 20 năm phát triển, TTCK đã có những lúc phát triển “nóng". Khi vượt xa giá trị thật, thị trường bước vào giai đoạn ảm đạm, hai chỉ số chính là HNX-Index và VN-Index liên tiếp giảm, giá của các cổ phiếu niêm yết rớt mạnh, có mã chỉ còn chưa đến 1/10 giá trị so với thời kỳ "đỉnh". Sau khoảng 5 năm chững lại, thị trường trong 2 năm gần đây đã hồi phục, các chỉ số chứng khoán nhích dần từ hơn 300 điểm lên 400 điểm, rồi vượt qua 500 điểm và đến nay tiến sát đến ngưỡng 700 điểm.

Tuy nhiên, khác với thời kỳ tăng "nóng", thị trường đã có bước đi vững vàng hơn, nhà đầu tư cũng khôn ngoan và hiểu biết hơn. Giá của các mã cổ phiếu đã dần thể hiện giá trị thật. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2016 đến nay, TTCK hoạt động khá ổn định. Tính đến hết tháng 10, TTCK tăng trưởng 12,2% đối với chỉ số VN-Index so với đầu năm 2016; HNX-Index tăng 7,4% và UPCOM-Index tăng 12,2%. Tính bình quân, khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết HNX đạt 49,4 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị đạt 543,2 tỷ đồng/phiên (tăng 4,1% về khối lượng, giảm 4,5% về giá trị so với năm 2015). Trong khi, thanh khoản của UPCOM tăng mạnh, bình quân khối lượng giao dịch đạt 9,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt trên 134 tỷ đồng/phiên (tăng 248% về khối lượng và 212% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015).

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng, từ năm 2005 đến nay, TTCK đã giúp Chính phủ và các DN huy động hơn 2 triệu tỷ đồng và gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; và tỷ lệ đã tương đương 60% so với nguồn cung tín dụng.

Tiến dần tới các chuẩn mực quốc tế

Mặc dù thị trường đã có những bước chuyển nhưng vẫn còn không ít bất cập, chưa thực sự trở thành kênh hút vốn lớn cho nền kinh tế như mong đợi. Theo ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst&Young Việt Nam, việc nâng cao các chuẩn mực là cần thiết, vì Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 30% yêu cầu so với thế giới.

Dự lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Ngành Chứng khoán tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, TTCK phải là kênh dẫn vốn chủ đạo trung và dài hạn của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.

Để làm được điều đó, TTCK phải được phát triển đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia; là kênh giúp DN đa dạng hóa nguồn tài chính và đầu tư, giảm thủ tục, chi phí vốn ngắn hạn trên ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế.

Đánh giá về TTCK, ông Vũ Bằng cho rằng, ở một số nước có chế tài xử phạt nặng các hành vi thao túng, làm giá, chuyển giá, gian lận hàng tồn kho... trên TTCK, nhưng tại Việt Nam, các chế tài xử phạt còn thấp, đa số là xử phạt hành chính vì không thể chuyển hình sự.

Trong những bất cập trên TTCK, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital lại nhấn mạnh tới việc nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng, mỗi DN làm một kiểu, nên cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể theo hướng minh bạch, đơn giản hơn. Ngoài ra, để tạo sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư, cần đẩy mạnh việc thoái vốn tại các DN nhà nước. Theo ông Dominic Scriven: “Điều quan trọng nhất với TTCK Việt Nam lúc này là phải bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm đối với các chủ thể hoạt động trên thị trường. Theo tôi, việc này là khó nhất nhưng quan trọng nhất bởi không làm rõ điều đó thì thị trường sẽ mất uy tín với nhà đầu tư, mất uy tín với DN niêm yết”.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, TTCK Việt Nam cần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần làm tốt quá trình bán vốn DN nhà nước trên sàn chứng khoán. Chính phủ cam kết giữ ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng khuôn khổ pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn khỏi những ngành nghề Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, tạo điều kiện thuận lợi nhất để TTCK phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động: Kênh đầu tư hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.