Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Kịch bản” nào của tỷ giá?

Hà Linh| 13/12/2016 07:11

(HNM) - Tưởng rằng có thể thở phào nhẹ nhõm khi tỷ giá ổn định trong suốt cả năm, nhưng trong mấy tuần gần đây, tỷ giá lại có nhiều


Không cần biết do tin đồn, điều kiện khách quan từ đà tăng giá USD của thị trường thế giới, sự "leo thang" bất thường giá USD vẫn khiến không ít người dân “lao” đến thị trường này để tìm cách mua USD. Trong sáng 6-12, giá USD trên thị trường tự do đột nhiên giao dịch ở mức cao "ngất ngưởng" 23.300-23.400 VND/USD, tăng khoảng 120 VND/USD so với trước đó. Dù ngay sau đó, thị trường "lạnh" trở lại, USD quay về 23.220 VND/USD (mua vào) - 23.290 VND/USD (bán ra). Tại các ngân hàng, giá USD cũng biến động, nhưng biên độ nhỏ, với mức tăng nhẹ 5-20 VND/USD (tùy ngân hàng).

Nếu sốt sắng mua USD trong những ngày giá cao, người dân đã phải chịu lỗ hơn 400 VND/USD, một khoản chênh lệch khá lớn. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ với 10.000 USD, người mua phải chia tay với hơn 4 triệu đồng sau một ngày. Sự tăng giá bất thường của USD là do người dân nghe theo tin đồn đổi tiền. Không ít người đã đến ngân hàng rút tiền để mua USD và vàng "găm giữ" vì lo ngại VND mất giá. Nhưng, lượng rút tiền không đến mức “ồ ạt” như tin đồn.

Cho rằng nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá USD vừa qua là do tin đồn, nhiều chuyên gia nhận định, thông tin không chính xác đó đánh trúng tâm lý cả tin của một bộ phận người dân. Việc tỷ giá USD/VND “nóng” từ những ngày cuối tháng 11 đã khiến không ít người nghĩ đến câu chuyện đồng VND mất giá mà ít đặt ra điều kiện khách quan do nhu cầu USD của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm.

Trên thực tế, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp với nước ngoài tăng mạnh cũng là nguyên nhân đẩy giá USD lên cao. Song, cung cầu USD trên thị trường không quá căng thẳng đến mức khiến USD “leo thang” nhanh thế, vì giá USD được niêm yết trên Sở Giao dịch NHNN thấp hơn giá bán của các ngân hàng thương mại 30-40 VND/USD. Hơn nữa, các ngân hàng cũng chưa phải niêm yết giá USD ở mức “kịch trần”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, tin đồn đổi tiền không có cơ sở. Thông thường, có một số lý do để một quốc gia tiến hành đổi tiền, chẳng hạn đồng tiền trượt giá, mất giá, kiểm soát thuế, chống tham nhũng… Còn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có sự ổn định, tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy đều đặn vào hệ thống ngân hàng với lãi suất phù hợp. Những yếu tố cơ bản này cho thấy hiện tại Chính phủ không phải dùng biện pháp đổi tiền nào để đạt được một trong những mục đích nói trên.

Vậy, có hay không kịch bản điều chỉnh tỷ giá từ phía NHNN? Dù không dám khẳng định hoàn toàn, nhưng hầu hết các chuyên gia đều nhận định từ nay đến hết năm 2016 sẽ khó điều chỉnh tỷ giá một lần nữa. Trong bối cảnh thanh khoản ngoại tệ vẫn bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp tiếp tục được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đây chưa phải là thời điểm buộc cơ quan chức năng phải điều chỉnh tỷ giá. Như vậy, câu chuyện tin đồn, mua bán theo tâm lý đám đông đã thêm một lần nữa có cơ hội khuấy động thị trường tiền tệ, làm “bốc hơi” một khoản tiền lớn của những người cả tin.

Rủi ro thường rơi vào những người không tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư, bởi vậy mỗi người dân cần thận trọng trước những biến động của thị trường và nên đặt niềm tin vào ngành chức năng. Khi cơ quan chức năng chưa lên tiếng về khả năng đổi tiền, sự sụt giảm của đồng tiền quốc gia, người dân không nên vội vã mua bán để tránh thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kịch bản” nào của tỷ giá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.