Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Nước rút” thu ngân sách cuối năm: Nhiều giải pháp “tăng tốc”

Hương Ly| 17/12/2016 08:10

(HNM) - 911,2 nghìn tỷ đồng là tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong 11 tháng qua. Để đạt được mức thu NSNN cả năm 2016 là 1.039 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, trong tháng cuối năm toàn Ngành Tài chính phải thu khoảng 128 nghìn tỷ đồng. Nhiều giải pháp

Người dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tại Chi cục Thuế Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt


Áp lực thu tăng mạnh

Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa 11 tháng qua do Ngành Thuế thực hiện đạt 728,6 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2015. Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 11 tháng do Ngành Hải quan thực hiện đạt gần 142,95 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán. Như vậy, để đạt được mức đánh giá thu NSNN cả năm 2016 là 1.039 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, chỉ riêng tháng cuối năm, toàn Ngành Tài chính phải thu khoảng 128 nghìn tỷ đồng, tăng gần 45 nghìn tỷ đồng so với bình quân thu 11 tháng.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị trực thuộc quản lý chặt các nguồn thu nộp NSNN theo chế độ. Các đơn vị đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, thu hồi nợ đọng, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu ngân sách trung ương (NSTƯ).

Số liệu được nêu tại cuộc họp giao ban tháng 11 của Tổng cục Thuế vừa diễn ra mới đây cho thấy, tổng thu nội địa 11 tháng của nhiều địa phương đạt khá. Có 49/63 địa phương bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán (hơn 92%), trong đó có 28/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu năm 2016. Nếu không tính tiền sử dụng đất, có 58/63 địa phương có tăng trưởng về số thu. Tuy nhiên, vẫn còn 5/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Cà Mau... Những địa phương có tiến độ thu đạt thấp là do giá dầu thô giảm so với dự toán, tình hình ô nhiễm môi trường, hạn hán kéo dài... đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Ngành Hải quan được giao dự toán thu 270 nghìn tỷ đồng và Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu 275 nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ với Ngành Hải quan. Bởi, dự toán thu NSNN năm 2016 được xây dựng dựa trên dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là GDP tăng trưởng 6,7%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10%. Thực tế GDP năm 2016 chỉ đạt khoảng 6%, tổng kim ngạch XNK chỉ tăng khoảng 4%, đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.

Xác định rõ những khó khăn này, từ đầu năm Ngành Hải quan đã triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung vào tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp (DN) theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35/NQ-CP. Ngành cũng thực hiện giao chỉ tiêu và chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp tăng thu qua áp mã giá tính thu; chống buôn lậu, gian lận thương mại... Toàn ngành đã thực hiện 8.311 cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu 3.090 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2015.

Đốc thu tại các địa bàn trọng điểm

Để khắc phục tình trạng tiến độ thu đạt chậm tại các địa phương, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo các cục thuế địa phương phải triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tập trung đôn đốc thu NSTƯ. Tổng cục Thuế đã yêu cầu 13 cục thuế có số thu điều tiết về NSTƯ thực hiện các giải pháp thu theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế cũng tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thu tại các địa phương trọng điểm, các tập đoàn, DN lớn. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu 63 cục thuế xây dựng các phương án, báo cáo đánh giá thu năm 2016 và dự toán thu năm 2017. Các đơn vị theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong cả nước để có giải pháp đôn đốc thu, nhất là các khoản thu phát sinh, các khoản nợ đọng thuế... phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2016, đặc biệt là hoàn thành dự toán thu NSTƯ.

Với Ngành Hải quan, sau khi được Bộ Tài chính giao thu thêm 5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố có lưu lượng hoạt động XNK lớn tổ chức làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để đáp ứng yêu cầu thông quan hàng hóa của DN. Tổng cục Hải quan cũng có văn bản đề nghị Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã ký phối hợp thu ngân sách bố trí điểm thu, thời gian làm việc trong các ngày nghỉ nói trên để giúp DN thuận tiện trong việc nộp thuế XNK, thông quan nhanh hàng hóa... Đến hết tháng 11-2016, đã có 9/36 cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Các cục hải quan có số thu lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương… đều đã đạt 92-95% dự toán.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2016. Với những giải pháp thu NSNN đã được triển khai, hy vọng mục tiêu hoàn thành dự toán thu NSNN của toàn Ngành Tài chính sẽ "cán đích" đúng kế hoạch, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
”Nước rút” thu ngân sách cuối năm: Nhiều giải pháp “tăng tốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.