Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Sức khỏe” của các tổ chức tín dụng sẽ tốt hơn?

Thanh Nga| 10/01/2017 07:28

(HNM) - Năm 2016 vừa qua đi với gam màu khá sáng về hệ thống ngân hàng - vốn được coi là

Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank.Ảnh: Thanh Hải


Tâm lý lạc quan

Theo điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thực hiện mới đây, các TCTD khá lạc quan về kết quả đạt được trong năm 2016 và vững tin vào những bước phát triển mới trong năm 2017. Hầu hết các TCTD đều kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện, lợi nhuận sẽ tăng trưởng dương, với mức tăng bình quân toàn hệ thống dự đoán 13,4%.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, TS Nguyễn Đức Hưởng nhận định: Năm 2016, Ngành Ngân hàng phát triển ổn định, thắng lợi nhất là chính sách tiền tệ, giá trị đồng tiền giữ vững, góp phần đáng kể vào nền kinh tế đất nước. Năm 2017, đối với hệ thống ngân hàng thương mại, dự báo phải chia làm hai phần: 6 tháng đầu năm nay là thời điểm "ăn nên làm ra" vì những khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được xử lý trong năm 2016, tạo đà cho các ngân hàng thương mại phát triển. Nhưng 6 tháng cuối năm, hệ thống sẽ vấp phải những vướng mắc, vì đó là thời điểm "rơi" của thị trường bất động sản, tỷ giá và lạm phát khi thực hiện các cơ chế, cũng như chịu ảnh hưởng từ biến động của nền kinh tế thế giới.

Cụ thể, thanh khoản bất động sản sẽ chậm lại khi tín dụng bất động sản bị bó hẹp dần bởi chính sách giảm từ 60% xuống 50% tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Tỷ giá chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá trị đồng USD sẽ tăng lên khi ông Donal Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và đưa ra các cơ chế mới. Lạm phát sẽ tạo sức ép bởi đầu tư công của những năm trước kém hiệu quả, tạo áp lực nợ công và biến động kinh tế thế giới theo chiều hướng không có lợi cho Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, triển vọng Ngành Ngân hàng năm 2017 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, dự báo mức tăng trưởng tín dụng hơn 16%. Nếu tiếp tục giữ được mức tăng trưởng tín dụng 16% sẽ tạo đủ lợi nhuận cho các ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có thể chịu rất nhiều tác động từ kinh tế thế giới cho đến khó khăn nội tại của Việt Nam, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thử thách. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), đồng thời trích lập dự phòng cho số nợ xấu mới.

Riêng về xử lý nợ xấu, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải pháp duy nhất thời điểm này là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Nếu không dùng ngân sách mà để cho các ngân hàng và VAMC tự xử lý sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, Chính phủ cần ứng trước một số tiền cho một cơ quan nào đó, chẳng hạn như VAMC để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Việc mua nợ xấu sẽ được tiến hành với 3 điều kiện, thứ nhất là mua "tiền tươi, thóc thật", trả tiền mặt cho ngân hàng; thứ hai là mua với giá thị trường, tức là hai bên sẽ phải thảo luận với nhau; thứ ba là mua đứt, bán đoạn chứ không phải như hiện tại là bán cho VAMC nhưng sau khoảng 5-10 năm VAMC không thu hồi nợ được sẽ trả lại ngân hàng.

"Xương sống" phải khỏe

Một trong những vấn đề được nhiều người đặt ra trong những ngày đầu năm là liệu mặt bằng lãi suất sẽ ra sao trong năm 2017? Hầu hết các TCTD đều kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định, một số ít TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất có thể tăng, nhưng là mức tăng nhẹ (bình quân khoảng 0,2%). Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Cũng như năm 2016, năm 2017 khi lạm phát giá tăng trở lại, cầu trong nước tăng, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành tiếp tục lớn sẽ là những yếu tố tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là điều hành lãi suất rất khó khăn. NHNN xác định, mục tiêu năm 2017 phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng và kỳ hạn cụ thể.

Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thông qua thị trường liên ngân hàng để qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở điều tiết thanh khoản và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý, nếu các TCTD khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải quay ra huy động trên thị trường, gây áp lực tăng lãi suất. Cùng với việc chỉ đạo sát sao các TCTD, bản thân các TCTD phải cân đối cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, thực hiện chi phí hoạt động ngân hàng hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong năm 2017 do cả những điều kiện khách quan từ nền kinh tế trong và ngoài nước, cũng như bản thân nội tại các TCTD bởi nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định, ngân hàng sẽ vượt khó, để tiếp tục là "xương sống" khỏe cho toàn bộ nền kinh tế.

VietinBank mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC

(HNM) - Ngày 9-1, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017. Năm 2016, VietinBank đạt lợi nhuận 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch.

VietinBank đã xử lý gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu của giai đoạn 2007-2010. Năm 2017, VietinBank sẽ tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu và mua lại nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); tiếp tục hỗ trợ ngân hàng yếu kém bằng cách tham gia tái cơ cấu GPBank và OceanBank.

Anh Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sức khỏe” của các tổ chức tín dụng sẽ tốt hơn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.