Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến động lãi suất và tỷ giá: Thị trường tiền tệ sẽ ra sao?

Hà Linh| 14/01/2017 07:31

(HNM) - Từ thời điểm cuối tháng 12-2016 đến nay, một số ngân hàng


Tỷ giá USD/VND “hạ nhiệt” sau những tuần biến động. Ảnh: Khánh Huy


Không tạo áp lực lên lãi suất cho vay

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã không đủ tạo thành "làn sóng" tăng lãi suất trên cả hệ thống, bởi mức lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1 đến 0,4%, chỉ tập trung vào một số kỳ hạn nhất định. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm, từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng 0,1%/ năm, từ 5,9%/năm lên 6%/năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm; kỳ hạn 12 và 13 tháng từ 6,5%/năm lên 6,9%/năm. Các ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank, TPBank cũng tăng lãi suất 0,1-0,3%/năm ở một số kỳ hạn…

Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng không bất ngờ với người dân hay doanh nghiệp. Theo một số chuyên gia kinh tế, các ngân hàng tăng lãi suất cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không còn dư dả như trước. Mặt khác, đây là thời điểm doanh nghiệp và người dân có nhu cầu về vốn nên các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động. Đó là chưa kể đến việc ngân hàng chuẩn bị ứng phó với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) áp dụng chính sách mới về hạn mức tín dụng, trong đó có quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% xuống 50%. Quy định mới đã buộc ngân hàng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động.

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động có khiến lãi suất cho vay tăng? Đại diện các ngân hàng đều khẳng định, mới chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh lãi suất, không phải toàn bộ hệ thống, hơn nữa lãi suất mới chỉ tăng nhẹ, nên không tạo áp lực tăng lãi suất cho vay. Theo NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND bình quân với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng: 0,8-1%/năm, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,5-5,4%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,4-6,5%/năm, trên 12 tháng: 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên: 6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung và dài hạn); các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/ năm (trung và dài hạn). Nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 đến 5%/năm.

Thị trường USD đã "lặng sóng"

Sau những ngày biến động tăng, giá USD đã "lặng sóng" trở lại trên cả thị trường chính thức và tự do. Những ngày qua, theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm là 22.167 VND/USD. Như vậy, với biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.832 VND/USD và tỷ giá sàn: 21.501 VND/USD. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), giá USD được điều chỉnh liên tục. Trong một ngày, vào lúc 8h25, USD được giao dịch ở mức 22.540 VND/USD (mua vào) - 22.620 VND/USD (bán ra), nhưng đến 14h30, giá USD đã được niêm yết giảm xuống còn 22.535 VND/USD (mua vào) - 22.605 VND/USD (bán ra).

Trước đó không lâu, giá USD có thời điểm "leo" lên 22.840 VND/ USD ở thị trường chính thức và "chạm ngưỡng" 23.000 VND/USD trên thị trường tự do. "Cơn sốt" giá USD diễn ra do những tin đồn trên thị trường tiền tệ, cũng như những yếu tố tác động từ nền kinh tế toàn cầu. Giá USD liên tục tăng cao trong nhiều ngày khiến không ít người đã lo lắng về kịch bản NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá ngay vào những ngày đầu năm 2017. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối đã "hạ nhiệt", tỷ giá USD/VND giảm dần.

Vậy, diễn biến của lãi suất và tỷ giá sẽ như thế nào trong thời gian tới? Theo lãnh đạo NHNN, cơ quan này sẽ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và điều hành linh hoạt các công cụ để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế để chủ động phân tích tình hình, dự báo kinh tế vĩ mô và triển khai đồng bộ các công cụ chính sách nhằm bảo đảm thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô. Với mục tiêu rõ ràng, cùng chính sách điều hành linh hoạt, tỷ giá sẽ khó có biến động mạnh trong thời gian tới, trong khi giảm lãi suất có vẻ là thách thức đối với NHNN, bởi nền kinh tế tuy phục hồi, song tốc độ tăng trưởng còn chậm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến động lãi suất và tỷ giá: Thị trường tiền tệ sẽ ra sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.