Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bát nháo đổi tiền cuối năm

Nguyễn Thắng| 24/01/2017 07:14

(HNM) - Cứ gần đến Tết Nguyên đán nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ trong người dân lại tăng cao. Nhiều người nháo nhào đi đổi tiền lẻ mới bằng nhiều cách khác nhau. Nếu ở thị trường tự do, đổi tiền dễ nhưng giá cao thì trong các ngân hàng thương mại phải là khách hàng thân quen mới đổi được tiền mới.


Tại ngã ba phố Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng, một người phụ nữ đon đả mời mọc đổi tiền lẻ. Một tập tiền mới mệnh giá 500 đồng, đổi 50.000 đồng phải trả 80.000 đồng tiền cũ, chênh lệch 30.000 đồng. Loại tiền 2.000, 5.000 đồng khách hàng phải trả đến 150.000 đồng để đổi lấy 100.000 đồng tiền mới. Loại tiền mệnh giá 10.000 đồng thì 10 ăn 8 (100.000 đồng đổi được 80.000 đồng). “Ngân hàng không có đâu, chỉ ở đây tiền gì cũng có và bao nhiêu cũng có”. Nói xong người phụ nữ cho tôi số điện thoại và hẹn khi nào đến lấy nhiều phải gọi trước để chuẩn bị.

Tại phủ Tây Hồ một trong những nơi lượng tiền lẻ được đổi nhiều nhất, giá đổi cũng rất đắt. Các loại tiền mệnh giá khác như 500 đồng, khách hàng phải bỏ ra đến 90.000 đồng để đổi lấy 50.000 đồng; tiền 1.000 đồng phải đổi 150.000 đồng để lấy 100.000 đồng… Càng đi sâu vào phủ, dịch vụ đổi tiền càng nhiều và giá cả càng cao. Có những hàng còn đổi cả tiền đô la Mỹ, nhiều nhất vẫn là những tờ 2 USD may mắn với giá 50.000 đồng/tờ. Theo những người bán hàng ở đây, mức giá đổi tiền lẻ không cố định mà phụ thuộc vào lượng khách đổi nhiều hay ít, loại tiền nào khách đổi càng nhiều thì giá càng đắt.

Trước Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Công văn số 10088/NHNN-VP, yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán không đưa vào lưu thông các loại tiền mới in mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống nếu còn tồn kho, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân. Theo tìm hiểu, việc đổi tiền lẻ tại ngân hàng thương mại dịp cuối năm khá khó khăn. Hầu hết khách hàng có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới đều bị từ chối nếu không phải là khách hàng VIP, thân quen với ngân hàng.

Theo chị Nguyễn Thu Hiền - nhân viên Ngân hàng Sacombank, chủ yếu khách đến ngân hàng yêu cầu đổi tiền mệnh giá loại 10.000 - 50.000 đồng, tuy nhiên ngân hàng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số khách đến đổi sớm, còn những người đến sau, ngân hàng phải từ chối vì không đủ lượng tiền lẻ. “Những năm trước, ngân hàng vẫn đáp ứng được nhu cầu đổi tiền của người dân. Tuy nhiên, năm nay tiền lẻ khan hiếm nên chi nhánh khó có thể xoay xở được. Riêng với tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống thì ngân hàng hoàn toàn không có để cung ứng” - chị Hiền nói.

Không đổi tiền lẻ trực tiếp từ ngân hàng, người dân có nhu cầu buộc phải tìm mọi cách để đổi tiền lẻ, tiền mới từ nhiều nguồn khác nhau; và đây là cơ hội cho những người môi giới đổi tiền “chặt chém”. Nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ chùa hay lì xì đầu năm lâu nay đã bị đẩy lên thành hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. Được biết, sau 4 năm có chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ, NHNN đã tiết kiệm 1.900 tỷ đồng chi phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát nháo đổi tiền cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.