Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước: Cần sự thay đổi về "chất"!

Đức Anh| 13/05/2017 07:59

(HNM) - Tại hội thảo về “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” vừa diễn ra, câu chuyện quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước một lần nữa được đưa ra phân tích nhằm tìm ra hướng đi phù hợp.



Quản lý chặt chẽ phần vốn nhà nước sẽ tránh xảy ra thất thoát, thua lỗ với các doanh nghiệp nhà nước.


Theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, thời gian qua các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động chưa hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN còn nhiều bất cập. Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả tất cả các quyền chủ sở hữu tại DN. Các DNNN đã "chèn ép" khu vực tư nhân do được hưởng nhiều ưu đãi cả về cơ chế, chính sách và tài nguyên, do đó môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, làm thui chột động lực sản xuất, kinh doanh của các DN. Thông tin về hoạt động và kết quả kinh doanh của DNNN cũng chưa minh bạch, cơ chế bổ nhiệm người đại diện, lãnh đạo quản lý và tuyển dụng nhân viên còn nặng tính hành chính, tính chuyên nghiệp của bộ máy quản lý cũng hạn chế. Nêu ví dụ về 12 dự án nghìn tỷ đồng bị thua lỗ, ông Đinh Văn Nhã cho rằng, để xác định rõ người chịu trách nhiệm ở từng dự án rất khó, vì cơ chế lâu nay chủ yếu hướng vào trách nhiệm tập thể.

Ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của DNNN vẫn là hiệu quả kinh doanh. Mặc dù, đối với DNNN không thể đòi hỏi lợi nhuận cao như DN tư nhân, nhưng đây vẫn là một bước đi tích cực khi xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, áp dụng các thông lệ quản trị tốt của quốc tế.

Đa số ý kiến tại hội thảo đồng thuận với việc phải tách chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước và tập trung về sở hữu. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, phân tích hiện Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) mới nắm giữ 0,7% vốn DNNN, nếu có đủ quyết tâm loại bỏ các nhóm lợi ích thì có thể chuyển đổi được hai nhóm DNNN là nhóm DN kinh doanh theo cơ chế thị trường và nhóm DN công ích. Hai nhóm này chiếm 65-70% số vốn nhà nước tại DN, khi đó mô hình một ủy ban có thể thích hợp.

Ông Phạm Đình Soạn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại DN, thuộc Bộ Tài chính cho rằng, phương án thành lập ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến DN. Bởi, phương án này sẽ thêm một người nữa là chủ sở hữu đến gõ cửa DN, trong khi người cũ (quản lý nhà nước) vẫn không thể bỏ được. Điều quan trọng nhất hiện nay là sự thay đổi bên trong, thay đổi về "chất". Những bài học kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, để đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, không làm tăng biên chế bộ máy hành chính nhà nước, mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN cần phải có lộ trình hợp lý, vừa sức và không đột biến.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 22-4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục bám sát Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng lưu ý hoàn thiện đề án cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ về thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn tại DNNN và DN có vốn nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước: Cần sự thay đổi về "chất"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.