Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có cơ chế riêng để xử lý nợ xấu

Hà Linh| 14/07/2017 07:06

(HNM) -


Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đề ra những giải pháp mạnh xử lý hiệu quả vấn đề này. Ảnh: Hải Anh


Có thể bán công khai nợ xấu, tài sản bảo đảm

Nợ xấu được ví như “cục máu đông”, gây tắc nghẽn dòng chảy của nền kinh tế. Hậu quả của một thời gian dài tăng trưởng tín dụng "nóng", nợ xấu không chỉ tác động thiếu tích cực tới toàn bộ hệ thống ngân hàng, mà còn khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhưng, xử lý nợ xấu không phải việc đơn giản, bởi những hạn chế về cơ chế, cũng như quy định trong xử lý nợ xấu. Được biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ xấu là hạn chế quyền chủ nợ của ngân hàng. Ngân hàng khi cho vay có thế chấp, tài sản đều đã thực hiện công chứng đăng ký đầy đủ, nhưng khi xử lý nợ lại không được chủ động xử lý như ở nhiều quốc gia khác. Lúc đó, ngân hàng phải làm việc với tòa án, ngay cả khi tòa án đã ra phán quyết, trong trường hợp đơn vị thi hành án chậm thi hành sẽ làm kéo dài thời gian và biến ngân hàng trở thành người “hành khất”, chồng chất thêm chi phí. Nếu duy trì tình hình nợ xấu này sẽ không thể tăng trưởng kinh tế.

Sau một thời gian dài lấy ý kiến, nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được thông qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là “liều thuốc mạnh” cho việc giải quyết dứt điểm nợ xấu. Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, cũng như quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý.

Nợ xấu quy định tại nghị quyết này là những khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017. Các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể được bán công khai, minh bạch, với mức giá phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ... Nghị quyết này sẽ được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15-8-2017.

Cần “ưu ái” trong xử lý nợ xấu

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hiện nay chưa có con số đúng về nợ xấu. Mặc dù ở mỗi chuẩn mực, cấp độ đánh giá sẽ cho những con số khác nhau, nhưng những người làm ngân hàng đều “ngầm” khẳng định nợ xấu thực sự rất lớn. Trong hơn một năm qua, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu chỉ dưới 3%, gần đây là 2,46%, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Dù các chuẩn mực phân loại nợ hiện đã ở mức độ cao hơn, sát thực hơn, nhưng rõ ràng, ai cũng thấy có phần nợ xấu còn nằm ở những nơi khác. Vấn đề là phải có cơ chế tháo gỡ để công khai minh bạch hơn, từ đó có con số nợ xấu chính xác hơn.

Nhiều người có thể đặt câu hỏi, vậy các tổ chức tín dụng báo cáo sai số liệu?

Nếu đi tìm thêm con số nợ xấu “lộ thiên”, đơn giản là cộng các khoản nợ xấu ở ngân hàng với nợ xấu chưa xử lý tại VAMC. Con số này vào khoảng 208 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,8%. Con số này là rõ ràng, nhưng chưa phải tất cả, có một khối lượng nợ đang tiềm ẩn là nợ xấu. Nếu cộng cả phần này, tổng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống hiện không dưới 10% - đây là con số thực chất. Trước đây đã từng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như khoảng bốn năm trước, một lượng lớn nợ đáng lẽ đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại, nên không bị tính là nợ xấu.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, nếu không có quyết sách cho cơ cấu lại nợ, chắc chắn sẽ không có sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp, cũng như của nền kinh tế như hiện nay. Tại thời điểm đó, nếu bắt các doanh nghiệp và hệ thống các tổ chức tín dụng gánh trọn toàn bộ nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chắc chắn đã có nhiều ngân hàng thương mại sụp đổ, nhiều doanh nghiệp phá sản. Mặc dù phát huy tác dụng trong một thời gian dài, nhưng đến nay, giải pháp trên đã hết sứ mệnh, không thể tiếp tục lạm dụng giải pháp cơ cấu lại nợ, nợ xấu mà coi như không xấu. Bởi vậy, nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ là những cơ chế, giải pháp mạnh để xử lý dứt điểm nợ xấu.

Đã đến lúc cần “ưu ái” trong xử lý nợ xấu để "thông mạch máu" nền kinh tế, kéo lãi suất và chi phí sản xuất xuống mức hợp lý hơn cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách. Nghị quyết được thông qua tại thời điểm bất động sản đang khởi động chu kỳ tăng giá như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho nợ xấu bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có cơ chế riêng để xử lý nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.