Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm lãi suất cho vay: Liệu có khả thi?

Hà Linh| 09/09/2017 07:42

(HNM) - Không chịu áp lực từ tỷ giá tăng, lạm phát đang ở mức thấp... là những yếu tố hỗ trợ khả năng giảm lãi suất cho vay từ phía các ngân hàng thương mại. Mặc dù đưa ra nhận định, bài toán giảm lãi suất không đơn giản, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%/năm là có khả thi...

Lãi suất có xu hướng giảm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Huy Khánh


Nhiều yếu tố hỗ trợ

Trái với dự báo của nhiều chuyên gia về kịch bản tăng mạnh vào dịp cuối năm khi nhu cầu vốn tăng đột biến, lãi suất lại có xu hướng giảm. Tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, cộng với việc các ngân hàng đang xin phép Ngân hàng Nhà nước cho "nới" tăng trưởng tín dụng là những điều kiện tốt để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Dự báo, khả năng giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm so với mức hiện nay là hoàn toàn có cơ sở trong điều kiện nền kinh tế có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Trong báo cáo tình hình kinh tế của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, nhiều yếu tố hỗ trợ từ trong nước và quốc tế cho việc giảm lãi suất những tháng cuối năm như áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%), việc phát hành trái phiếu chính phủ những tháng còn lại của năm chỉ còn khoảng 20% kế hoạch, trong khi lợi suất các kỳ hạn đã giảm 0,2-0,3 điểm % và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 giúp giảm bớt áp lực với lãi suất…

Tín dụng tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực, ước tính đến hết tháng 8, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%), chiếm 45,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%). Tín dụng trung, dài hạn ước tăng 8,8%, cùng kỳ năm ngoái tăng 11,1%, chiếm 54,1% tổng tín dụng. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định, với tín dụng VND chiếm chủ yếu trong tổng tín dụng (91,5%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ với mức tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (1,7%) và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Lợi nhuận sau thuế của hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 40.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh do tín dụng tăng trưởng cao, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,9% trong khi cùng kỳ năm trước là 2,7%. Nợ xấu của ngân hàng tập trung tại một số tổ chức tín dụng kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. Nợ xấu báo cáo khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,9% tổng dư nợ.

Giảm lãi suất để vốn “chảy” vào sản xuất

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hệ thống ngân hàng tiếp tục định hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế những lĩnh vực rủi ro, phấn đấu giữ ít nhất ổn định lãi suất và trong điều kiện có thể tiếp tục giảm nhẹ. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố không thuận lợi cho việc giảm lãi suất, đó là tốc độ huy động vốn đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, mà nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay dự kiến rất lớn, nên nhu cầu huy động vốn còn khá cao. Đó là chưa kể nhu cầu phải huy động vốn để đáp ứng yêu cầu Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (từ đầu năm 2018, các ngân hàng chỉ được dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn), nên các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn. Điều này có nghĩa lãi suất đầu vào gần như không thể giảm, nên khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng, mục tiêu giảm lãi suất thêm 0,5%/năm là có thể, bởi tính thanh khoản của ngân hàng tăng. Nếu Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng sẽ đẩy một lượng tiền vào lưu thông. Trên thị trường liên ngân hàng, tính thanh khoản tốt, nguồn tiền dồi dào cũng hỗ trợ cho ngân hàng có nguồn vốn tương đối thuận lợi cho vay với lãi suất giảm.

Hiện, một số ngân hàng xin phép Ngân hàng Nhà nước được “nới” tăng trưởng tín dụng. Nếu lãi suất cao, nguồn vốn có thể sẽ đến với những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, khó có thể “chảy” vào những doanh nghiệp sản xuất thông thường. Trong khi, nếu lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng này sẽ đến được với những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kịch bản của việc “nới” tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng lên hơn 20% là nếu nền kinh tế hấp thụ tốt trong điều kiện lãi suất thấp sẽ tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao sẽ khó tạo nên tác dụng tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo.

Vì vậy, để các ngân hàng giảm lãi suất 0,5%/năm, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông, nhưng cần thận trọng với việc này, nếu không lạm phát có thể bị tăng. Ngoài ra, một vấn đề lớn khác mà các ngân hàng đang vấp phải là dành một nguồn tiền lớn để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ, khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên. Do đó, nếu muốn giảm tiếp lãi suất cho vay, một trong những vấn đề quan trọng là phải xử lý được nợ xấu, bởi thực tế con số 2,9%, nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đây cũng là vấn đề "nóng" của nền kinh tế nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất cho vay: Liệu có khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.