Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bảo đảm quyền lợi lao động nữ

Kim Vũ| 02/11/2017 07:58

(HNM) -

Cách tính lương hưu mới cho lao động nữ cần thực hiện theo lộ trình như nam giới. Ảnh: Nhật Nam



Quy định gây "sốc"...

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006, cả nam và nữ công tác 15 năm mà nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác lao động nam được cộng thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%; nữ được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%.

Tuy nhiên, quy định gây "sốc" cho lao động nữ là năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu cho cả nam và nữ theo nguyên tắc có đóng có hưởng; đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Theo đó, lao động nam khi đóng đủ 35 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu nhưng lộ trình kéo dài 5 năm. Đối với lao động nữ từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 16 trở đi, thay vì trước đây được cộng thêm 3% mỗi năm thì bây giờ chỉ còn 2%. Điều đáng nói là theo cách tính này lao động nữ không có lộ trình như lao động nam. Cụ thể, khi đủ 55 tuổi, nếu nghỉ hưu trước năm 2018 đóng đủ 25 năm bảo hiểm xã hội thì hưởng lương hưu 75%; nhưng nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75% lương.

Trăn trở về điều này, bà Nguyễn Thị Liên (quận Ba Đình) cho biết, bà sinh ngày 10-1-1963. Đến ngày 10-1-2018 bà đủ 55 tuổi nghỉ hưu. Từ đầu tháng 10-2017, đơn vị công tác đã gửi thông báo về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí với thâm niêm 25 năm công tác. Niềm vui chưa trọn vẹn khi bà Liên nhận được thông báo chỉ được hưởng 65% lương hưu theo quy định mới thay vì 75% như những người về hưu trước năm 2018. Ở một khía cạnh khác, chị Hoàng Thị Hằng - một cán bộ công tác ở ngành Y tế cho biết, một người học Trường Đại học Y, sau 6 năm học ra trường là 24 tuổi. Nếu tìm được việc làm ngay thì số năm đóng bảo hiểm xã hội 31 năm với nữ đủ tuổi hưu là 55. Tuy nhiên, may mắn kiếm được việc làm ngay thường không đến với 100% nữ sinh trường y. Vì vậy, sự thiệt thòi này “dành” cho đa số bác sĩ nữ.

Cần thay đổi theo lộ trình

Thực tế, ngay trong quá trình soạn thảo luật, đã có kiến nghị cần một lộ trình nâng dần số năm được hưởng mức sàn lương hưu tối thiểu cho phụ nữ, ít nhất là giống nam giới. Cụ thể, lộ trình của nam giới kéo dài 5 năm: Nghỉ hưu từ năm 2018 phải đủ 31 năm đóng bảo hiểm xã hội; năm 2019 là 32 năm; năm 2020 là 33 năm; năm 2021 là 34 năm và từ năm 2022 trở đi là 35 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ tối đa là 75%. Trong khi đó, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu tối đa 75% và không có lộ trình. Công thức tính lương hưu cho lao động nữ cũng gây nhiều băn khoăn khi nhiều người nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017, nhất là lao động có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu để thực hiện lộ trình cho lao động nữ giống như nam giới. Quy định lộ trình thực hiện cho lao động nam là 5 năm thì lao động nữ cũng phải 5 năm hay 10 năm, để tránh thua thiệt cho họ. Về vấn đề này, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đây là việc làm cần thiết để bảo đảm cân đối dài hạn quỹ hưu trí...

Chỉ gần 2 tháng nữa sẽ thực hiện cách tính lương hưu mới cho người lao động. Những hạn chế đối với lao động nữ đã được nhìn thấy, mong rằng các cơ quan thực thi Luật Bảo hiểm xã hội cân nhắc, kịp thời đưa ra kiến nghị, phương án trình Chính phủ và báo cáo để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, tránh thiệt thòi cho người lao động. Đây cũng có thể được xem là động thái khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo đảm quyền lợi lao động nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.