Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Văn Ngọc Thủy| 29/11/2017 06:33

(HNM) - Ngày 30-12-2016, UBND thành phố ban hành các quyết định thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản và công việc của 26 ban quản lý dự án. Sau gần một năm hoạt động, bên cạnh nhiều hiệu quả rõ nét, tình hình giải ngân vốn đầu tư các dự án năm 2017 của 5 đơn vị này hiện chỉ đạt trên 40%.

Cầu Mọc (quận Thanh Xuân) là một trong những dự án chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thái Hiền


Dự án cũ gối dự án mới

5 ban quản lý dự án mới đi vào hoạt động từ năm 2017, gồm: Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội và Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường.

Kết quả khảo sát tại thời điểm cuối tháng 8-2017 của Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố cho thấy, trong danh mục 17 dự án chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 có đến 14 dự án thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông. Hầu hết các dự án đều đang được thi công, có dự án cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể giải ngân. Ngoài ra, một số dự án có thời gian hoàn thành từ năm 2012, 2013 nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân như Dự án Xây dựng tuyến đường số 1 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây thuộc địa bàn quận Cầu Giấy; Dự án Xây dựng tuyến đường số 3 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Hai dự án này do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì khởi công từ năm 1997, hoàn thành năm 2013 của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội cũng trong tình trạng tương tự.

Tính đến ngày 21-11-2017, theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, trong khi giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách các quận huyện đạt hơn 60%, xã, phường đạt trên 80% thì tình hình giải ngân của 5 ban quản lý dự án vô cùng “lẹt đẹt”, tính tổng chung chỉ đạt trên 40%. Trừ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%; các đơn vị khác như Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông chỉ đạt trên 30%. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, tổng số vốn giao theo kế hoạch năm 2017 cho 5 đơn vị này là hơn 6 nghìn tỷ đồng thì riêng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông chiếm trên 2,5 nghìn tỷ đồng và tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã giải ngân được trên 800 tỷ đồng.

Nhận diện nguyên nhân


Theo Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai, việc thu gọn đầu mối về các ban quản lý dự án chuyên ngành là đúng định hướng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc lập các ban quản lý dự án này trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng về tổ chức, con người từ nhiều cơ quan khác nhau, mặc dù có sự chỉ đạo sát sao của thành phố, song trên thực tế cần một khoảng thời gian nhất định để tăng hiệu quả hoạt động.

Đến nay, các ban quản lý đã đi vào hoạt động bài bản. Một số đơn vị đã xây dựng quy trình kiểm soát công việc trên tinh thần “5 rõ” của thành phố, lập các tổ công tác tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc của công tác quyết toán… Tuy nhiên, tình trạng giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có dự án chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; một số dự án đã triển khai từ năm trước, nhưng nay phải thực hiện các thủ tục liên quan để điều chỉnh dự án phù hợp yêu cầu mới. Ngoài ra, có cả nguyên nhân là công tác giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến thời gian triển khai dự án muộn. Việc chủ động phối hợp giữa ban quản lý dự án với các sở, ngành của thành phố trong tháo gỡ vướng mắc khi triển khai thủ tục đầu tư không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”.

Ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới cũng khẳng định, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là lý do chính dẫn đến các dự án của đơn vị chậm tiến độ. Vì đối với đơn vị này, số vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với kinh phí xây lắp. Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 7-10-2017, UBND thành phố đã có văn bản giao cho UBND các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho 16 dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư.

Cũng theo ông Đức, còn có thể kể đến các nguyên nhân khác kéo chậm tiến độ dự án như đơn vị mới thành lập, phải triển khai các thủ tục chuyển chủ đầu tư; khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án do Chính phủ ban hành nhiều quy định mới thay đổi thẩm quyền, phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, công tác bố trí vốn chưa sát với thực tế, điều chỉnh vốn chưa kịp thời, có dự án đến tận tháng 9-2017 mới được giao vốn như nút giao An Dương, cầu Hạ Dục, cầu Phú Thứ... Hoặc như dự án cầu Mọc, cầu Bầu, cầu vượt nút giao đường Cổ Linh và đầu cầu Vĩnh Tuy đã cơ bản hoàn thành nhưng lại được giao dư vốn, đang hoàn thiện thủ tục giải ngân... Cũng theo khẳng định của ông Đức, trong số 14 dự án chưa giải ngân thời điểm cuối tháng 8-2017 hiện đã có 5 dự án giải ngân xong, 6 dự án khác sẽ phấn đấu giải ngân trong năm kế hoạch 2017. Các dự án còn lại đã đề nghị thành phố bố trí vốn vào 2018.

Phải khẳng định, việc sắp xếp 5 ban quản lý dự án chuyên ngành là quyết định hợp lý, nhằm tập trung được nguồn lực đầu tư, dễ quản lý, không bị dàn trải và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, để ban quản lý dự án hoạt động hiệu quả hơn, cần tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức bảo đảm gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nghiệp. Đồng thời, xây dựng quy trình và quy chuẩn chuyên nghiệp hóa trong kiểm soát công việc, trách nhiệm, để phát huy đúng tính chất của ban quản lý dự án chuyên ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.