Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bùng nổ song chưa phải bong bóng

Theo Việt Nam plus| 06/12/2017 11:14

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một giai đoạn giao dịch đầy sôi động với các con số tăng trưởng vượt qua mọi mức mong đợi. Thời gian từ ngày 31-10 đến ngày 4-12, thị trường có 20 phiên đi lên và điều chỉnh nhẹ trong 3 phiên.


Tâm lý hưng phấn bao trùm thị trường, dòng tiền lớn đổ vào, các phiên giao dịch duy trì ở mức 7.300 tỷ đồng/phiên (tại tuần cuối của tháng 11). Tuy nhiên, điều này cũng khiến các thành viên trên thị trường bắt đầu đặt câu hỏi “sự bùng nổ có dẫn đến bong bóng”.

Từ ngày 31-10 đến 4-12, VN-Index tăng một mạch 132,74 điểm. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)


Thanh khoản xác lập kỷ lục

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán giao dịch tích cực trong các tuần qua. Đáng chú ý, sự sôi động của dòng tiền giúp thanh khoản cải thiện không ngừng và đẩy khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE đạt mức cao nhất trong lịch sử, xấp xỉ 1,2 tỷ cổ phiếu (tại tuần cuối của tháng 11-2017).

“Toàn thị trường tăng điểm mạnh đã giúp tất cả các nhóm ngành cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt, những cổ phiếu trụ cột như VNM, SAB, VIC lên giá gần 30%. Điểm tích cực, dòng tiền có sự lan tỏa khá đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau, do đó các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn còn khả quan,” ông Thắng nói.

Thời điểm hiện tại, giới đầu tư trên thị trường cũng bắt đầu đặt kỳ vọng ở mốc 1.000 điểm của VN-Index. 

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu, Công ty chứng khoán MB cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột phá của thị trường chứng khoán về cả biên độ và thanh khoản, dòng vốn lớn xuất hiện và đẩy giá các cổ phiếu vốn hóa cao đồng thời kéo VN-Index lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu, Công ty chứng khoán MB nhận định thị trường. (Nguồn: Vnews)


“Tốc độ tăng trưởng của thị trường cho thấy sự kỳ vọng của giới đầu tư là rất lớn. Thực tế cũng cho thấy, các đợt thoái vốn gần đây đã đạt thành công rất cao, mở ra cơ hội cho các công ty cổ phần có kế hoạch thoái vốn lớn trong thời gian tới, như Công ty Nhựa Bình Minh, Công ty Nhựa thiếu niên Tiền phong, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần FPT… đồng thời tạo hiệu ứng tích cực về niềm tin,” ông Ngọc nói.

Đánh giá chung, ông Ngọc cho rằng, nền tảng của thị trường là khá vững chắc, các chỉ tiêu vĩ mô như chỉ số lạm và thâm hụt ngân sách ở mức thấp. Bên cạnh đó, lợi nhuận của công ty niêm yết sau 10 tháng tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Các yếu tố tích cực tác động đến xu thế của thị trường, mặc dù áp lực chốt lời tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là có, nhưng là tín hiệu điều chỉnh trong xu thế tăng trưởng về trung và dài hạn.

Khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE đạt mức cao nhất trong lịch sử, xấp xỉ 1,2 tỷ cổ phiếu tại tuần cuối của tháng 11-2017. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)


Giá cổ phiếu chưa… bong bóng

Quan sát rộng hơn, ông Nguyễn Đức Hùng Linh phân tích, trong nước, tín dụng đang tăng ở mức vừa phải đồng thời được kiểm soát hạn chế đổ vào đầu tư tài chính. Thêm vào đó, quy mô của thị trường chứng khoán đã khá lớn, vì vậy dòng tiền “nóng” khó có khả năng tích tụ đủ mạnh để tạo ra “bong bóng” giá chứng khoán.

Hiện, dòng vốn ngoại cũng là một phần kích thị trường tăng trưởng, nhưng dòng tiền này chắc chắn không tạo thành “bong bóng” dưới áp lực kiểm soát và đầu tư chuyên nghiệp.

Về định giá chứng khoán trên thị trường, ông Linh so sánh với các thời kỳ lịch sử hình thành “bong bóng” tại Việt Nam và Trung Quốc, việc định giá tăng nhanh khiến chỉ số P/E [giá cổ phiếu/lợi nhuận] thường tăng gấp đôi trong khoảng sáu tháng đến một năm, song hiện tại P/E của thị trường mới tăng 1,2 lần.

Hiện, dòng vốn ngoại cũng là một phần kích thị trường tăng trưởng, nhưng dòng tiền này chắc chắn không tạo thành “bong bóng” dưới áp lực kiểm soát và đầu tư chuyên nghiệp

“Thị trường không có bong bóng, nhưng không có nghĩa giá cổ phiếu thấp”, ông Linh nhấn mạnh, thị trường chứng khoán - năm 2017 được dẫn dắt bởi nhiều yếu tố, ngoài yếu tố tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết còn có sự tác động từ dòng vốn ngoại và quan trọng hơn cả là “sự kỳ vọng”. (Kỳ vọng ở nhóm ngân hàng, ở các mã cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn và mới niêm yết...)

Theo tính toán, ông Linh cho rằng, mức tăng trưởng lợi nhuận chung tại năm 2017 là khoảng 23%, nhưng chỉ số VNIndex đã tăng 40% thêm vào đó thị trường đang “đánh cược lớn” vào khả năng sẽ còn tăng tiếp, bằng chứng là Hợp đồng tương lai kỳ hạn dài đang cao trên 1.000 điểm.

Nhìn nhận thị trường chứng khoán năm 2018, ông Linh đưa ra một số điểm tác động đến diễn biến thị trường năm 2007, bao gồm câu chuyện thoái vốn, kéo theo là dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường tạo đột biến.

Biến động chỉ số VN-Index qua các năm (giai đoạn từ 2006 đến 2017)


Theo ông Linh, đây thực sự là một ẩn số khó dự đoán, bởi chưa xác định được các mức giá của dòng vốn thoái cũng như sức lan tỏa của dòng vốn ngoại vào thị trường ra sao. Thời gian qua, các mã cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường đều tăng giá. Song, khả năng này lặp lại trong năm 2018 sẽ thấp, ông Linh chỉ ra, hiện nhiều cổ phiếu chưa lên sàn nhưng đang tăng mạnh trên thị trường.

Về tăng trưởng lợi nhuận, ông Linh giả thiết, GDP năm 2018 tăng 7%, tăng trưởng lợi nhuận đạt tương ứng 23-25%, giúp P/E thị trường “rẻ hơn”. Nhưng vấn đề ở đây, giá cổ phiếu trong năm 2017 đã tăng cao hơn tăng trưởng lợi nhuận, hơn thế nữa mức giá này đã nằm trong phần lớn tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của năm 2018.

“Động lực cho thị trường trong năm 2018 có vẻ ít đi. Cá nhân tôi vẫn kỳ vọng thị trường tăng, vì điều này phản ánh doanh nghiệp làm ăn hiệu, tăng trưởng thị trường dựa trên nền cơ bản mới bền vững,” ông Linh nói.

Dấu mốc lịch sử

Trước đó, một số chuyên gia dày dạn kinh nghiệp đã sớm dự báo xu thế thị trường chứng khoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ tương tự như giai đoạn “thần tốc – 2007”, song nền tảng thị trường và diễn biến giao dịch ở thời điểm này có sự khác biệt, lạc quan hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Quy mô của thị trường chứng khoán đã khá lớn, vì vậy dòng tiền “nóng” khó có khả năng tích tụ đủ mạnh để tạo ra “bong bóng” giá chứng khoán. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)


Quay lại “dấu ấn” lịch sử, chỉ số VN-Index sau khi xác lập đáy 399,8 điểm (ngày 2-8-2006) đã tăng trưởng ngoạn mục khi đặt kỳ vọng vào việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO. Trong bảy tháng, chỉ số này phi nước đại tới 770,87 điểm, tăng tương ứng 193% và chốt đỉnh cao nhất trong lịch sử 1.170,67 điểm (ngày 12-3-2007).

Đánh giá về giai đoạn này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thẳng thắn: “Thời điểm đó, bong bóng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là có. Một lượng tiền rất lớn được đổ vào Việt Nam, khiến giá tất cả các loại cổ phiếu lớn, nhỏ tăng giá từng phiên. Nhà đầu tư đặt lệnh mua thành công là có lãi, một thị trường đầu cơ bắt đầu được hình thành.”

Nền tảng thị trường và diễn biến giao dịch ở thời điểm này có sự khác biệt, lạc quan hơn nhiều so với giai đoạn trước


Minh chứng thực tế, sự lạc quan trên thị trường đã không thể kéo dài được lâu. Chỉ số VN-Index giằng co quanh khu vực 1.100 điểm đến giữa trung tuần tháng 10-2007 bắt đầu lao dốc với tốc độ gần như “rơi tự do” về đáy 366,2 điểm (20-6-2008). Qua 9 tháng, chỉ số này để tuột tới 739,01 điểm, giảm tương ứng 67% và gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở giai đoạn tăng trưởng lần này, ông Hưng nhấn mạnh, “thị trường vốn Việt Nam trỗi dậy nhờ động lực tăng trưởng mới. Trong thời gian ngắn, nền kinh tế đã huy động khối lượng vốn rất lớn từ mọi thành phần chảy vào, điều này không phải là hiệu ứng trước mắt, nó khẳng định niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư. Họ kỳ vọng vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới rất cao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bùng nổ song chưa phải bong bóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.