Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc kỹ khi điều chỉnh

Đức Anh| 16/12/2017 07:20

(HNM) - Chi phí sản xuất thấp, ưu đãi về môi trường đầu tư kèm theo chính sách thuế ổn định là những ưu điểm khiến Việt Nam trở thành “điểm đến hấp dẫn” của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt - dự kiến áp dụng từ năm 2019...


Doanh nghiệp băn khoăn

Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, điểm hấp dẫn nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam là chính sách thuế hợp lý, chi phí rẻ, môi trường đầu tư ổn định. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán về chính sách là điều quan trọng nhất giúp các nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Tuy nhiên, tại hội thảo về “Thách thức của việc thay đổi chính sách với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt đã khiến không ít doanh nghiệp băn khoăn. Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, các loại nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất, gồm 10% và 20% từ năm 2019.

Việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có thế ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp. Ảnh: Sơn Hà


Bày tỏ sự băn khoăn về việc sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam cho biết, trước khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia, các doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn từ 5 đến 10 năm để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được. Thay đổi chính sách thuế sẽ khiến toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu bị ảnh hưởng do chi phí tăng cao. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam và lựa chọn những điểm đến có môi trường pháp lý ổn định hơn.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp nước giải khát và cả người tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí phải ngừng hoạt động. Người tiêu dùng có thu nhập thấp cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi giá sản phẩm nước giải khát tăng 12% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng có thu nhập trung bình tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng lại khiến những người thu nhập thấp khó tiếp cận sản phẩm này. Tổng thu ngân sách từ thuế vì thế có thể giảm xuống sau quyết định. Trên thực tế, một số nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát trong quá khứ đã bãi bỏ loại thuế này do những tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp nước giải khát, dẫn đến tổng thu ngân sách của chính phủ từ thuế giảm. Đó là trường hợp tại Indonesia, Chính phủ đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt trong nhiều năm, song đã bãi bỏ từ năm 2004 do làm tê liệt ngành sản xuất nước giải khát. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Indonesia chỉ ra rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ mang lại cho ngân sách thêm 42 triệu USD hằng năm, nhưng lại làm cho doanh số bán nước giải khát giảm sút, dẫn đến thiệt hại khoảng 48 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách hằng năm.

Cần đánh giá tác động đầy đủ

Đóng góp ý kiến về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho rằng, việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, từ đó sẽ gây ra những hệ lụy như giảm doanh số, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Đối tượng chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá bán cao còn có thể tạo cơ hội cho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển. Trên thực tế, có rất nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt, nhưng cơ quan soạn thảo lại chỉ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt trong khi ngành Bia - Rượu - Nước giải khát đang góp cho ngân sách 50.000 tỷ đồng/năm. Hiệp hội cũng kiến nghị cần có đánh giá tác động đầy đủ về quyết định áp thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt trước khi thực thi đề xuất này.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội phân tích, hiện chỉ có bốn quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực) đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì tác động xấu đến nền kinh tế. Mong muốn của các doanh nghiệp là chính sách thuế của Việt Nam phải được thiết kế thống nhất và bảo đảm thực thi công bằng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ khi điều chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.