Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng “nội” trước cơ hội thu hút đầu tư

Hà Linh| 19/12/2017 07:39

(HNM) - Tìm cách hút đối tác ngoại để có thêm nguồn lực về vốn cũng như nhân sự đang là xu hướng của hầu hết ngân hàng ở Việt Nam...


Các ngân hàng đang tích cực thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Huy Khánh


Hoạt động ổn định

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) đã nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức "ổn định" lên "tích cực" trong 12-18 tháng tới. Động thái này phản ánh triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam và triển vọng tích cực đối với hầu hết các ngân hàng Việt Nam. Cũng theo Moody’s, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ duy trì ổn định, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 7,1% vào thời điểm cuối năm 2016, thấp hơn so với mức 7,5% vào năm 2015.

Theo tính toán, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể giảm xuống mức 5,8% vào năm 2018, do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ hình thành nợ xấu và cũng nhờ sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản. Tăng trưởng tiền gửi nội tệ của khách hàng, nguồn vốn chính của các ngân hàng Việt Nam được Moody’s dự báo sẽ tiếp tục lành mạnh, nhưng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, dẫn tới việc thanh khoản của hệ thống bị thắt chặt hơn.

Về lợi nhuận, dự báo các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, với lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng đều đặn nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh. Song, sự cải thiện lợi nhuận này có thể phải bù đắp chi phí tín dụng gia tăng, vì vậy tỷ suất lợi nhuận ròng có thể sẽ giảm thêm do tình trạng cạnh tranh và áp lực của Chính phủ đòi hỏi hạ lãi suất vay vốn ngân hàng.

Không phải ngẫu nhiên mà Moody's có những đánh giá tích cực như vậy. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hoạt động khá ổn định, với các chỉ số đều khả quan. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối tháng 11, tín dụng tăng 2,8% so với tháng 10 và tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm 2017, trong đó tín dụng ngoại tệ tăng 12,3%; VND tăng 15,6%, chiếm 91,8% tổng tín dụng. Huy động vốn tăng 13,5%, cụ thể huy động VND tăng 14,7%, chiếm 90,2% tổng huy động; ngoại tệ tăng 3%.

Tùy thuộc nhu cầu mỗi ngân hàng

Về cơ hội thu hút nguồn vốn ngoại, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán tăng điểm, cổ phiếu ngân hàng chuyển biến tích cực cho thấy kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng khả quan, nên các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, việc "gọi" vốn từ nhà đầu tư nước ngoài không đơn giản, họ có phần e ngại khi vào thị trường Việt Nam, bởi việc huy động vốn hay cho vay còn tiềm ẩn rủi ro, chẳng hạn như lợi ích nhóm, nợ xấu… Khi có ý định đặt chân vào một ngân hàng, khối ngoại sẽ phải điều tra kỹ về nợ xấu, tài sản không sinh lời, nội bộ, quản lý rủi ro... Nếu báo cáo tài chính, thông tin công bố không rõ ràng, nhà đầu tư không thể định giá ngân hàng Việt Nam, vì giá liên quan chặt chẽ tới mức độ rủi ro. Tài sản của một ngân hàng rủi ro ít được trả giá đầu tư cao và ngược lại, giá của ngân hàng tùy thuộc vào sự thẩm định tình hình tài chính.

Để thu hút dòng vốn ngoại cần phải nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại từ 30% (trong đó nhà đầu tư chiến lược được nắm giữ tối đa 20%) như hiện nay lên tối đa 49%. Bởi, “room” 30% khiến nhiều đối tác chiến lược lớn bị hạn chế quyền điều hành. Thông thường, nhà đầu tư sẽ xét khả năng sinh lời của ngân hàng trong dài hạn, về cơ hội mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực khác, chứ không chỉ nhìn trong ngắn hạn.

Song, ngân hàng cũng cần chọn lọc kỹ để có được nhà đầu tư nước ngoài. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 5% vốn thay vì tỷ lệ 30%. Việc “khóa” 25% lại là để ngân hàng này có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư thật sự có tiềm lực. Nếu áp dụng “room” 30% tức là nhà đầu tư chọn ngân hàng, không phải ngân hàng chọn nhà đầu tư. Không chỉ riêng LienVietPostBank, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã xin ý kiến cổ đông về việc quản lý tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông nước ngoài. Theo đó, ngân hàng này xin chấp thuận tạm thời chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 0%.

Lý do cho việc thu hẹp tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở ngân hàng nội được cho là ngân hàng muốn hạn chế sự xung đột về văn hóa, cũng như quyền lợi, quan điểm giữa hai bên. Thực tế là đã có sự “kết duyên” giữa ngân hàng nội và nhà đầu tư ngoại, nhưng thói quen trong điều hành không giống nhau dẫn đến những bất đồng. Ngoài ra, những cam kết về công nghệ, phương thức quản trị không diễn ra như mong muốn của ngân hàng trong nước khiến việc hợp tác không suôn sẻ. Bởi vậy, không ít ngân hàng nội có xu hướng tìm đối tác trong nước, hay trong khu vực, vì có sự tương đồng về văn hóa, cách thức quản trị, định hướng phát triển trong tương lai, đặc biệt là tư duy quản trị rủi ro.

Việc mở rộng hay thu hẹp với nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào nhu cầu, cũng như khả năng của ngân hàng. Xét về mặt tích cực, nhiều ngân hàng trong nước hiện nay muốn có sự góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vì đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ, cũng như cần phương thức quản trị hiện đại và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng “nội” trước cơ hội thu hút đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.