Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 18,17%

Hương Thủy| 08/01/2018 16:39

(HNMO) – Tính đến ngày 31-12-2017, tín dụng tăng 18,17%. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực.

Chiều 8-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018. Đại diện NHNN cho biết, năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm.

Tính đến ngày 31-12-2017, tín dụng tăng 18,17%. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2017 và định hướng nhiệm vụ năm 2018.


Đáng chú ý, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.

Cụ thể, đến cuối tháng 11-2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%...

NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, công tác thanh tra, giám sát và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đạt được những kết quả tích cực. Sự ổn định, an toàn hệ thống được giữ vững. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.

Năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 18,17%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.