Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết đến, giữ cho máy ATM thông suốt

Hà Linh| 31/01/2018 06:59

(HNM) - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng đến thời điểm này chưa có phản ánh về việc nghẽn mạng khi sử dụng máy rút tiền tự động (ATM)...

Các ngân hàng cần bảo đảm hạ tầng để người dân rút tiền được thuận lợi trong dịp Tết.Ảnh: Ngọc Dương


Chi lương, thưởng bằng tiền mặt

Thời điểm này chưa phải "cao điểm" rút tiền trên máy ATM, bởi chưa có nhiều doanh nghiệp chi trả tiền thưởng Tết hoặc lương tháng 13 cho nhân viên. Tại các tuyến phố trung tâm như Lê Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải... hay một số khu công nghiệp đều không có tình trạng xếp hàng chờ rút tiền. Ông Nguyễn Bá Lộc, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị công nghiệp cho biết, công ty đang chờ tiền từ đối tác trả nợ hợp đồng, nên dự kiến trả lương tháng 13 và thưởng Tết cho nhân viên vào tuần đầu của tháng 2-2018. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác dự tính chi trả tiền lương, thưởng từ ngày 1 đến 5-2, tức từ ngày 16 đến 20 tháng Chạp năm Đinh Dậu.

Anh Ngọc Khanh, nhân viên của một doanh nghiệp trên phố Lý Nam Đế cho hay, để tránh tình trạng nhân viên không thể rút tiền trên máy ATM vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, công ty của anh chi lương tháng 13 và thưởng Tết bằng tiền mặt. Đây cũng là cách một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) làm khi kết hợp với ngân hàng, chia tiền thưởng thành nhiều đợt trả trực tiếp cho công nhân, tránh việc phải xếp hàng dài ở máy ATM trong những ngày cận Tết. Mặc dù chi trả bằng tiền mặt sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng là giải pháp hiệu quả trong thời điểm máy ATM "nóng" vì lượng tiền rút lớn. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn nhiều đơn vị chi lương, thưởng Tết qua tài khoản ngân hàng, nên dự báo tình trạng nghẽn máy ATM khó tránh khỏi nếu số lượng người tập trung rút tiền vào một thời điểm quá lớn.

Đáp ứng nhu cầu của người dân

Các ngân hàng cần xử lý kịp thời hệ thống ATM để bảo đảm nhu cầu tăng cao của người dân dịp cận Tết.


Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cung ứng tiền trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và bảo đảm hoạt động thông suốt hệ thống máy giao dịch ATM. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý những tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng người dân không rút được tiền tại các máy ATM.

Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngay từ đầu tháng 12-2017, Ngân hàng Nhà nước đã điều chuyển tiền mặt về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, đặc biệt ưu tiên các địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhiều điểm ATM, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Hiện Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động, đối với máy ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thực hiện tiếp quỹ, bảo đảm thời gian ATM hết tiền không quá 4 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Các trường hợp khác, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tiếp quỹ để bảo đảm thời gian ATM hết tiền không quá 8 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Trường hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không bảo đảm máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, cũng như không bảo đảm thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM. Cụ thể, các tổ chức tín dụng cung ứng hạ tầng chuyển mạch giám sát chặt chẽ, bảo đảm hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định. Đồng thời, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện ATM của các ngân hàng thành viên gặp sự cố để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh, hạn chế thấp nhất lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng; phản hồi khiếu nại đối với các giao dịch ATM liên mạng nhanh chóng, kịp thời. Các ngân hàng thương mại thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM (đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn) để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động...

Theo ông Phạm Bảo Lâm, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường máy ATM lưu động tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng quá tải. Đồng thời chủ động làm việc với các doanh nghiệp, điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu chi lương, thưởng dịp Tết.

"Cùng với đó, ngân hàng thương mại phải bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM, xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định" - ông Phạm Bảo Lâm cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết đến, giữ cho máy ATM thông suốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.