Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gửi tiết kiệm ngân hàng: Làm sao để không... rủi ro?

Hà Linh| 01/03/2018 07:30

(HNM) - Lãnh đạo ngân hàng giả mạo giấy ủy quyền để

Phòng giao dịch của Eximbank tại TP Hồ Chí Minh.


Khi người gửi sơ hở...

Cách đây ít ngày, sự việc Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh "cuỗm" của khách hàng 245 tỷ đồng (tiền gốc, chưa tính lãi) rồi bỏ trốn gây xôn xao dư luận. Trong khi khách hàng vẫn giữ các sổ tiết kiệm gốc, nhưng số tiền gửi 245 tỷ đồng lại "không cánh mà bay". Được biết, cơ quan điều tra đã làm rõ là việc rút tiền do phó giám đốc chi nhánh chỉ đạo nhân viên làm giả giấy ủy quyền, giả chữ ký để chiếm đoạt.

Vị khách hàng cho biết, cách đây 6 năm, khách hàng này đã chọn Eximbank để gửi tiết kiệm với số tiền ban đầu là hơn 5 tỷ đồng. Các giao dịch gửi, rút tiền diễn ra bình thường.

Vì nhận thấy đây là khách hàng tiềm năng, phó giám đốc chi nhánh đã trực tiếp tìm đến khách hàng để gặp với lý do "chăm sóc khách hàng VIP" để khách hàng có thể được giao dịch ở nhà, hoặc nơi làm việc, không cần trực tiếp đến ngân hàng. Sau lần đó, mỗi lần muốn gửi hay rút tiền, khách hàng đều được nhân viên ngân hàng đến nhà để thực hiện giao dịch. Tổng số tiền cả gốc và lãi khách hàng gửi cho đến đầu năm 2018 lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Nhưng, khi khách hàng thông báo là muốn tất toán và rút tiền, nhân viên ngân hàng đến thông báo trong tài khoản không còn tiền. Vị khách hàng này cũng khẳng định chưa ký giấy ủy quyền cho cá nhân nào, song trong giấy ủy quyền giả có tên 2 cá nhân khác được biết là người nhà của Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Theo quy định, khi tất toán phải trả sổ gốc và ngân hàng sẽ thu hồi sổ này, nên mỗi sổ tiết kiệm đứng tên khách hàng, vị lãnh đạo ngân hàng kia đều lập giấy tờ giả để rút rồi để lại một ít tiền, chẳng hạn như sổ tiết kiệm 4,4 tỷ đồng để còn lại 133 triệu đồng, sổ 49 tỷ đồng để lại hơn 3 tỷ đồng...

Sự việc của khách hàng này không phải là duy nhất. Trước đó, tình trạng một số nhân viên giả mạo chữ ký của khách hàng để rút tiền đã từng diễn ra. Tuy nhiên, đa số khách hàng bị mất tiền là do thực hiện giao dịch tại nhà, dẫn đến việc nhân viên lợi dụng những sơ hở này để giả mạo giấy tờ, chữ ký từ đó rút tiền ở ngân hàng.

Nên gửi tiền trực tiếp tại quầy

Ngay sau khi có sự cố mang tên "245 tỷ đồng", một khoản tiền quá lớn của khách hàng bị "bay hơi" bởi chính Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người gửi tiền nên cẩn trọng hơn trong các giao dịch và quan trọng nhất là phải trực tiếp đến ngân hàng, tránh thực hiện giao dịch ở nhà. Những người có tiền gửi tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật, đồng thời tôn trọng, tuân thủ đầy đủ quy trình giao dịch với ngân hàng để tránh mất tiền. Giải pháp để giúp người gửi tiền tránh rủi ro là gửi tiền trực tiếp tại quầy, không ký sẵn chứng từ, kiểm tra số dư định kỳ hay thận trọng khi giao dịch trực tuyến...

Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, theo quy chế về tiền gửi, các ngân hàng đều quy định rõ khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt khách hàng VIP thường nhờ các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên quen biết để hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không phải đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.

Cũng có thể khách hàng VIP không cần mở tài khoản và nộp tiền tại quầy giao dịch mà thường được vào phòng VIP, hoặc phòng giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi, cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này rất nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng, không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hoặc sau khi ký xong giấy tờ giao dịch, nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ giả. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, khách hàng không được ký vào các tờ giấy trắng, bởi tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi và rút hay chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách. Với giấy tờ trắng, nhân viên ngân hàng dễ dàng điền các thông tin khác như ủy quyền rút tiền..., gây rủi ro cho khách hàng. Khách hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng theo định kỳ tuần, hoặc tháng để nếu không may gặp sự cố thì có thể xử lý kịp thời.

Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tùy thân, sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng không cho ai mượn sổ tiết kiệm, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian giả mạo chữ ký và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của khách hàng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gửi tiết kiệm ngân hàng: Làm sao để không... rủi ro?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.