Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú hích thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng

Đức Anh| 16/03/2018 07:12

(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng ngoại đã nói “lời chia tay”, rút vốn khỏi thị trường Việt Nam sau một thời gian dài gắn bó.


20 năm trở về trước có thể coi là thời hoàng kim của ngành ngân hàng trong nước với sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đây cũng là thời điểm nhiều ngân hàng tên tuổi như Woori Bank (Hàn Quốc), Public Bank Berhad (Malaysia), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh)... thâm nhập thị trường ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sau 20 năm, tổng số tài sản của các ngân hàng ngoại, kể cả những đơn vị liên doanh và 100% vốn nước ngoài... chỉ chiếm chưa tới 10%. Các ngân hàng nước ngoài cũng khó phát triển mở rộng, đặc biệt là trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí hoạt động cao và lợi nhuận chưa đạt như mong muốn.

Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered “nói lời chia tay”, không còn là cổ đông Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) sau khi hoàn tất giao dịch thoái vốn. Standard Chartered (Anh) đã bán 89,86 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng 8,75% vốn) và Standard Chartered (Hồng Kông) bán 64,2 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 6,25% vốn ACB, hoàn tất thoái hơn 154 triệu cổ phiếu ACB sau 12 năm đầu tư. Cũng từ tháng 11-2017, đại diện phần vốn góp của Standard Chartered là ông Andrew Colin Vallis đã thôi làm thành viên Hội đồng quản trị ACB.

Trên thực tế, việc các ngân hàng ngoại rút vốn có nhiều nguyên nhân. Lý do đầu tiên phải kể đến là hoạt động ngân hàng ở Việt Nam nói chung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do đặc tính khó dự báo. Tiếp đến là các ngân hàng ngoại dần nhận thấy, việc cạnh tranh với các ngân hàng nội không hề dễ dàng, trái với nhận định ban đầu của họ. Trong đó, đối với lĩnh vực tín dụng, do những đặc điểm hết sức “đặc thù” ở Việt Nam, ngân hàng ngoại khó thích ứng; khả năng tiếp cận khối khách hàng nội địa cũng không phải là ưu thế. Ngoài ra là sự khác biệt lớn trong việc vận dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng giữa chủ sở hữu nước ngoài và Việt Nam.

Việc các ngân hàng ngoại rút vốn đã khiến nhiều ý kiến lo ngại và cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu vẫn ở mức cao kèm theo cách điều hành kiểu ''gia đình'' tại nhiều ngân hàng nội... đã khiến khối ngoại nản lòng. PGS.TS Lâm Chí Dũng, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với vấn đề nợ xấu, nếu đây là nguyên nhân thì việc “rút lui” của các ngân hàng ngoại đã diễn ra sớm hơn khi hệ thống ngân hàng đang ở vào thời điểm khó khăn. Thời điểm hiện nay, dù xử lý nợ xấu vẫn chưa được như kỳ vọng, nhưng với Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu cộng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, việc này chắc chắn sẽ có kết quả tích cực hơn.

Tuy nhiên, mối quan ngại lại nằm ở tình trạng điều hành ngân hàng theo kiểu “gia đình”. Cách quản lý này sẽ tác động tiêu cực đến yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt đối với đa số cổ đông nhỏ. Ngoài ra cũng sẽ khiến các quyết định kinh doanh, quản trị nội bộ ngân hàng chỉ hướng đến lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm cổ đông có tính gia đình. Hơn nữa, việc vận dụng đúng đắn các chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại trở nên khó khăn.

Mặc dù còn nhiều băn khoăn về việc các ngân hàng ngoại rút vốn, song nếu nhìn một cách xây dựng, sự kiện này cũng là cú hích để các ngân hàng trong nước khắc phục khiếm khuyết, thực hiện tái cơ cấu và dần lấy lại sự hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú hích thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.