Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội nào khi các “đại gia” IPO?

Đức Anh| 20/03/2018 07:11

(HNM) - Theo kế hoạch, trong năm 2018 nhiều “đại gia” sẽ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)...


Năm 2017, hoạt động cổ phần hóa có phần chững lại so với các năm trước, với khoảng 24 doanh nghiệp IPO, tổng số vốn thu về là 2.722 tỷ đồng. Trái ngược với sự trầm lắng của hoạt động IPO các doanh nghiệp lớn trong năm 2017, hoạt động thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lại có mức tăng trưởng đột biến nhờ vào 2 thương vụ lớn của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB), thu về ngân sách nhà nước gần 119 nghìn tỷ đồng. Sau 2 phiên đấu giá thành công này, tâm lý thị trường đã chuyển biến theo hướng tích cực, hỗ trợ chỉ số VN-Index tăng điểm.


Tổng Công ty Thương mại Hà Nội sẽ thực hiện IPO vào cuối tháng 3-2018.


Các phiên chào bán vốn nhà nước trong năm 2018, nếu diễn ra thành công cũng sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường, cũng như nhóm cổ phiếu có liên quan. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ thoái vốn tại 181 công ty, tương đương 70% số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó, 45 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2017 sẽ IPO chậm nhất trong quý I-2018.

Đợt IPO được nhiều nhà đầu tư chờ đợi là của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) trong tháng 1-2018. Phiên đấu giá đã thu hút số lượng người tham gia cao kỷ lục, đạt hơn 4.000 nhà đầu tư với khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương gần 652 triệu cổ phần. Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng bình quân là 23.043 tỷ đồng, cao hơn gần 58% giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phiếu của BSR bán được 5.566 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi số dự kiến.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 30-3-2018, Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ IPO, chào bán hơn 75,9 triệu cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ. Với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần, Hapro dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tham gia mua 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Với những lợi thế của Hapro và năng lực tài chính của nhà đầu tư chiến lược, sau khi IPO, Hapro mong muốn sẽ phát triển bền vững hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại Thủ đô và thị trường xuất khẩu, tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nếu lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đúng tiến độ và song hành với hoạt động niêm yết thì vốn hóa thị trường sẽ tăng 15-20 tỷ USD. Thanh khoản bình quân dự báo đạt 272 triệu USD/phiên, tăng 25% so với giá trị năm 2017.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh về quy mô và chuyển biến về chất. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá hào hứng với nguồn cung cổ phiếu lớn bơm ra thị trường trong năm 2018. Bởi, từ góc độ quản lý danh mục của các quỹ đầu tư, để sẵn sàng nguồn lực tham gia các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước, ngoài việc cố gắng tăng quy mô hoạt động, các quỹ đầu tư vẫn phải tái cấu trúc danh mục. Vì vậy, sẽ có một lượng cổ phiếu rớt giá, vì không còn thuộc diện ưu tiên trong danh mục đầu tư của các quỹ bị bán ra. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chu kỳ của nền kinh tế và thị trường đang trên đà tăng trưởng. Vì vậy, xu hướng huy động thêm vốn của các quỹ đầu tư vẫn sẽ thuận lợi, từ đó mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư có ý định tham gia thị trường trong năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào khi các “đại gia” IPO?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.