Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi người lao động bị "bỏ rơi"

Kim Vũ| 22/03/2018 07:40

(HNM) - Không có việc làm, không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội vì nợ đọng kéo dài, nhiều người lao động muốn về hưu đã phải bỏ tiền túi để đóng bảo hiểm xã hội mới được giải quyết chế độ...

Nhiều nỗi bức xúc

Bắt đầu từ tháng 7-2014, những khó khăn bắt đầu đến với hàng chục người lao động làm việc tại Công ty CP Bê tông xây dựng Hà Nội (VIBER). Do không có việc làm, bị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa được chốt, trả sổ BHXH, nên việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp đều là con số 0.

Công nhân Nguyễn Thị Thanh Tú cho biết, dù hằng tháng người lao động bị khấu trừ tiền lương để đóng BHXH, nhưng trên sổ của người lao động chỉ chốt đến tháng 2-2012. Người lao động cũng nhận được thông báo tạm nghỉ vì không có việc làm và tạm ngừng đóng BHXH.

“Ngừng đóng BHXH, đồng nghĩa với việc không có thẻ BHYT. Nhiều người ốm nặng mà không có thẻ nên phải mua BHYT tự nguyện", chị Thanh Tú bức xúc.

Người lao động làm việc tại Công ty CP Bê tông xây dựng Hà Nội bị nợ đọng bảo hiểm xã hội.


Với người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 7-2014, chưa có người lao động nào được chốt và trả lại sổ BHXH. Ban lãnh đạo mới cũng không đóng BHXH cho người lao động từ tháng 5-2013 đến tháng 10-2014. Khi tìm đến cơ quan BHXH quận Bắc Từ Liêm, người lao động mới tá hỏa khi được biết VIBER đã nợ tiền BHXH hơn 7,3 tỷ đồng.

Vì vậy, người lao động muốn chuyển việc hoặc nghỉ hưu đều không thể rút được sổ BHXH. Nhiều người đành chấp nhận chi tiền túi lần 2, đóng cho cơ quan BHXH quận để được chốt sổ. Trong đó có ông Phương Văn Sáng, 59 tuổi, Xí nghiệp Bê tông thương phẩm Chèm 1, đơn vị thuộc VIBEX phải chi 20 triệu để nhận sổ hưu.

Theo ông Trịnh Hà Trung, Phó Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH Hà Nội), việc VIBEX để người lao động tự bỏ tiền túi đóng tiền BHXH là lỗi chồng lỗi. Về nguyên tắc, khi đơn vị nợ đọng, người lao động có nhu cầu giải quyết chế độ thì đơn vị đó phải có công văn gửi cơ quan BHXH đề nghị tạo điều kiện và phải nộp tiền cho người lao động chứ không thể bắt người lao động phải bỏ tiền túi đóng lần 2 như vậy.

Nhập nhằng giữa nợ cũ và mới

Ông Nguyễn Viết Chi, Trưởng ban Kiểm soát VIBEX cho biết, người lao động không có việc làm là vì công ty nhận được thông báo di dời trụ sở ra khỏi thành phố từ tháng 9-2015 nên tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị, ngày 25-11-2017, VIBEX đã làm việc với người lao động.

Theo đó, người lao động nếu muốn đi làm và đóng BHXH thì làm đơn để công ty bố trí. Kết quả, không ai có nhu cầu đi làm tiếp với lý do công ty di dời trụ sở làm việc vào tỉnh Quảng Ngãi nên người lao động không đủ điều kiện làm xa. Người lao động đề nghị được chốt sổ BHXH đã được Công ty hướng dẫn viết đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty sẽ ra quyết định thôi việc.

Ngày 12-12-2017, người lao động tiếp tục có đơn kiến nghị công ty sớm ban hành quyết định nghỉ việc và giải quyết các chế độ cho người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, chốt sổ BHXH tại thời điểm người lao động dừng đóng BHXH, trả lại sổ cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Chi cho biết chưa thể thực hiện được vì số tiền nợ đọng BHXH quận Bắc Từ Liêm tính đến tháng 7-2017 xấp xỉ 10,33 tỷ đồng cả gốc và lãi. Đây là số nợ mà Ban Quản trị cũ của Công ty đã thu tiền của người lao động từ năm 2012 đến 2014 nhưng không đóng. Từ tháng 11-2014 đến năm 2017, VIBEX đã thu nộp hằng tháng và trên mỗi chứng từ nộp tiền đều ghi rõ nộp tiền cho tháng, năm nào. VIBEX cho rằng, do BHXH quận Bắc Từ Liêm áp dụng biện pháp trừ lùi nên toàn bộ tiền nộp cho năm 2015 đến 2017 bị trừ vào nợ BHXH cũ.

Vì vậy, VIBEX không thể chốt và trả lại sổ cho người lao động.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc BHXH quận Bắc Từ Liêm khẳng định, việc trừ lùi tiền nợ BHXH là đúng quy định. Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam: Nếu doanh nghiệp chây ỳ chưa đóng đủ tiền BHXH thì xác nhận sổ BHXH cho người lao động theo nguyên tắc: Người lao động đóng tới thời điểm nào, xác nhận sổ tới thời điểm đó và người lao động cầm sổ đó để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi doanh nghiệp đóng khoản nợ thì sẽ xác nhận bổ sung tiếp theo cho người lao động vào sổ BHXH.

Tại Bản án số 02/2016/LĐTS ngày 14-1-2016 của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, BHXH quận Bắc Từ Liêm đã thắng kiện VIBEX. Theo đó, Hội đồng xét xử buộc VIBEX phải trả nợ dứt điểm cho BHXH quận Bắc Từ Liêm số tiền trên 7,5 tỷ đồng. Đến tháng 4-2016, VIBEX mới chỉ nộp 300 triệu đồng nên BHXH quận đã đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận tiến hành thi hành án.

Tuy nhiên, đến tháng 2-2018, VIBEX nợ tiền BHXH lên tới 11,980 tỷ đồng. Theo bà Bình, mặc dù BHXH quận Bắc Từ Liêm đã nhiều lần gửi công văn tới VIBEX đề nghị làm việc nhưng mãi đến ngày 19-3-2018, công ty này mới tổ chức gặp mặt. Tại đây, bà Lê Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trả lời, sẽ đối chiếu lại số liệu và nộp hết tiền nợ đọng năm 2015 đến 2017 ngay trong tháng 3 này...

Trong khi chờ đợi cơ quan pháp luật làm rõ những sai phạm của ban lãnh đạo cũ, thiết nghĩ, ban lãnh đạo lâm thời của VIBEX nên thực hiện đúng trách nhiệm với người lao động theo quy định của pháp luật. Việc người lao động không có việc làm do điều kiện khách quan thì có thể chấp nhận được, nhưng lý do đổ lỗi cho bộ máy cũ mà không đóng BHXH, không chốt sổ, khiến người lao động không thể về hưu, không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, mất quyền lợi về BHYT là sai nguyên tắc. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết để trả lại quyền lợi cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi người lao động bị "bỏ rơi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.