Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phiếu ngân hàng: Nên đầu tư dài hay ngắn hạn?

Hương Thủy| 26/04/2018 13:06

(HNMO) - Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước đang ở giai đoạn điều chỉnh và cổ phiếu ngân hàng cũng đi theo xu hướng chung đó, nhưng không thể phủ nhận, nhóm cổ phiếu ngành này đã tạo “sóng” lớn và dần lấy lại vị thế cổ phiếu “vua”.


Tiếp nối đà đi lên trong năm 2017, quý 1-2018 thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm với mức tăng trưởng vượt trội về điểm số và giá trị giao dịch. Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, tính riêng cả quý, chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 19,3% và 12,8%; giá trị giao dịch lần lượt đạt mức tăng vượt trội 129% và 166% so với cùng kỳ.

Đa số các ngành tăng trưởng mạnh nhất đều có vốn hóa lớn; trong đó, tăng trưởng nổi bật nhất thuộc về nhóm ngành ngân hàng (+40,4%) với diễn biến tăng đồng đều ở tất cả các mã trong ngành như BID (BIDV), CTG (Vietinbank), VCB (Vietcombank), MBB (MB), VPB (VPBank)...

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh
(ảnh chụp qua bảng giao dịch điện tử ngày 26-4)


Cũng chính nhóm cổ phiếu ngân hàng là yếu tố quan trọng giúp thị trường chinh phục mức đỉnh mới 1.204 điểm vào ngày 9-4 vừa qua.

Diễn biến này gợi nhớ về thời điểm cách đây khoảng 10 năm, cổ phiếu ngân hàng được coi là cổ phiếu “vua” bởi nhà đầu tư đua nhau săn đón. Khi còn giao dịch trên thị trường tự do, những cổ phiếu như VPB hay MBB, được nhà đầu tư săn lùng mạnh đến nỗi giá được đẩy lên cao hơn nhiều lần so với mệnh giá. “Cơn sốt” cổ phiếu ngân hàng chỉ dần hạ nhiệt khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Và rồi, hệ thống ngân hàng rơi vào khủng khoảng bởi nợ xấu, phải tái cơ cấu, nhà đầu tư quay ra “chê” cổ phiếu ngân hàng khiến cho nhiều mã rớt giá thê thảm. Tuy nhiên, điều đó chỉ là quá khứ bởi hiện nay, cổ phiếu ngành này đang dần lấy lại vị thế cổ phiếu “vua” một thời.

Đó là nhờ theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng tốt. Nhưng quan trọng hơn là nhờ sức khỏe ngân hàng hồi phục sau giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc. Kết quả kinh doanh năm 2017 rất tích cực, với hầu hết ngân hàng báo lãi lớn so với năm 2016, đặc biệt có ngân hàng lãi tới hơn 10.000 tỷ đồng. Chưa kể, có nhà băng nằm trong diện phải tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, từ việc mất một nửa vốn điều lệ, sau 5 năm tái cơ cấu, lợi nhuận năm 2017 đã đạt trên 1.200 tỷ đồng. Sang đến quý I-2018, kết quả kinh doanh của ngành này cũng rất khả quan với nhiều ngân hàng báo lãi lớn. Chẳng hạn, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước; MB đạt lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietcombank là 4.359 tỷ đồng, tăng tới 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế của VIB đạt hơn 518 tỷ đồng, gấp hơn 3,3 lần cùng kỳ năm trước…

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu cũng được cải thiện nhờ Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cùng kỳ vọng từ làn sóng niêm yết và chuẩn bị niêm yết của các ngân hàng thương mại cổ phần như HDBank, TPBank, Techcombank, OCB đã tạo ra hứng khởi rất lớn cho ngành này.

Vậy, triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới ra sao? Theo ông Ngô Thế Hiển-Phó Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, với những gì đã đạt được trong năm 2017 và những tín hiệu tích cực trong quý I năm nay, ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tốt và đây là động lực hỗ trợ cho cổ phiếu ngành ngân hàng. 

Còn chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá nóng. Mặc dù ngành ngân hàng còn một số hạn chế nhưng cổ phiếu ngành này vẫn tăng mạnh bởi tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi và kết quả kinh doanh khả quan tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Chuyên gia này có cái nhìn lạc quan về triển vọng của ngành này. Theo ông, ngành ngân hàng từ năm 2018 sẽ tốt do tình hình kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, ông lưu ý, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu ngân hàng dài hạn, tức dùng tiền của mình để hỗ trợ cho ngân hàng kiếm lời, qua đó nhà đầu tư hưởng lợi từ việc cổ phiếu ngân hàng mạnh lên và được chia cổ tức, không nên đầu tư theo kiểu lướt sóng bởi sẽ rất rủi ro. “Khi đầu tư, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ ngân hàng mình định rót tiền, xem kỹ báo cáo tài chính, thường xuyên theo dõi hoạt động của ngân hàng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Cùng với ý kiến trên, ông Ngô Thế Hiển cho rằng, nhà đầu tư nên đầu tư dài hạn, bởi đầu tư ngắn hạn rất nguy hiểm.

Có lẽ, những lời khuyên của chuyên gia hoàn toàn đúng khi nhìn lại thị trường cho thấy, sau khi tăng mạnh lên hơn 1.200 điểm, thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, liên tục sụt giảm sâu, mất đến hơn 100 điểm so với mức đỉnh. Nếu như cổ phiếu ngân hàng là yếu tố quan trọng giúp thị trường lập đỉnh mới thì cũng chính cổ phiếu ngành này là “tội đồ” khiến thị trường rơi thẳng đứng, bởi cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành bị bán mạnh trong những ngày qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu ngân hàng: Nên đầu tư dài hay ngắn hạn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.