Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm lãi suất huy động có giúp giảm lãi suất cho vay?

Thanh Hương| 27/06/2018 13:15

(HNMO) - Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn, phổ biến 0,2-0,3%/năm. Vì sao nhà băng giảm lãi suất huy động? Động thái này có giúp giảm lãi suất cho vay?


Giảm vì thanh khoản dồi dào

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nhà băng này giảm 0,2-0,3% lãi suất huy động từ ngày 12-6. Sau khi giảm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng về mức 4,5%; kỳ hạn 3-5 tháng được hưởng mức lãi suất 4,6%/năm.

Mức lãi suất 5,5%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn 6-11 tháng, giảm 0,3%/năm. Riêng mức 6,4%/năm được nhà băng này áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng giảm lãi suất huy động vì thanh khoản dồi dào.


Theo biểu lãi suất mới của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn thông thường giảm 0,1% xuống 4,7%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 2-5 tháng giảm 0,05%, còn 5,45%/năm.

Từ đầu tháng 6, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,1%/năm, thấp hơn trước 0,3%; kỳ hạn 3-5 tháng về mức 4,6%/năm; kỳ hạn 6-8 tháng còn 5,1%/năm. Các kỳ hạn 9-11 tháng được nhà băng này áp dụng mức 5,5%/năm. Kỳ hạn 13 tháng được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm nhưng chỉ áp dụng với khoản tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Trước đó, một số ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng thương mại nhà nước như Vietinbank, BIDV đã giảm lãi suất huy động VND ở kỳ hạn ngắn với mức phổ biến 0,2%. Tại Vietinbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng giảm 0,2%/năm, chỉ còn 4,1%; 4 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%.

Tại BIDV, mức lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng cũng chỉ còn 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,1%/năm. 

Lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho biết, nhà băng này giảm lãi suất huy động do thanh khoản dồi dào. Từ đầu năm đến nay, tín dụng của nhà băng này tăng khá tốt trong khi tăng trưởng tín dụng năm nay bị giới hạn. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất huy động là biện pháp tiết kiệm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giảm lãi suất huy động cũng là để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhìn nhận, ngân hàng giảm lãi suất đầu vào còn nhằm cơ cấu lại vốn huy động theo hướng giảm bớt nguồn vốn ngắn hạn, tăng nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện đúng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.

Thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào khi thị trường chứng khoán sụt giảm, siết chặt cho vay bất động sản và huy động vốn của ngân hàng tích cực. Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, đến cuối tháng 5-2018, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 6,2% so với cuối năm 2017, cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,3%; trong đó, huy động VND tăng 7,4%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%, vốn huy động VND chiếm 91,3%.

Khó giảm lãi suất cho vay

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, việc giảm lãi suất trên khó có thể giúp giảm lãi suất cho vay bởi lãi suất huy động giảm chỉ mang tính tạm thời chứ không phải là xu hướng.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay là khá thấp, chỉ khoảng 2,8%, trong khi mức trung bình của nhiều nước trên thế giới là hơn 3%, có nơi 3,5%. Chưa kể, lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, xu hướng lạm phát tăng lên cũng khiến lãi suất cho vay khó giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Việt Nam đã tăng tới 0,55% so với tháng trước, là tháng có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

“Vì vậy, lãi suất cho vay năm nay rất khó giảm”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập nhìn nhận, lãi suất cho vay ưu đãi hiện đã khá thấp nhưng mặt bằng lãi suất cho vay năm nay khó giảm vì lợi nhuận ngân hàng thấp. Việc ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng nhà băng còn nhiều chi phí khác như chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro và nợ xấu còn cao nên lãi suất đầu ra chưa có dấu hiệu giảm.

Chuyên gia này cho biết thêm, lãi suất cho vay càng khó giảm khi mà lạm phát tăng và tỷ giá USD/VND đang đi lên. Tỷ giá tăng có nghĩa là dễ xảy ra tình trạng găm giữ USD, chuyển từ VND sang USD để chờ giá USD tăng cao hơn rồi bán lấy lời. Vì vậy, cần giữ mức chênh lệch lớn giữa lãi suất huy động VND và lãi suất huy động USD nhằm tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất huy động có giúp giảm lãi suất cho vay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.