Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ USD hay VND?

Hà Linh| 21/07/2018 07:27

(HNM) - Đồng USD liên tục “nhảy múa” khiến những người đang giữ USD không khỏi lo ngại về khả năng tăng cao của đồng tiền này...


Ảnh: Internet


Biến động không ngừng, đồng USD đã không còn duy trì được sự ổn định như những năm trước. Từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng khoảng 1,5%. Ngay cả khi đã được dự báo trước về khả năng “leo thang” của đồng tiền này, doanh nghiệp thường xuyên phải sử dụng USD cũng khó tránh khỏi cơn "sốc" nhẹ. Tuy nhiên, không giống như nhiều lần tăng trước là do tâm lý “đổ xô” mua USD để găm giữ, việc đồng USD trong nước tăng giá thời gian qua chủ yếu là từ áp lực của thị trường thế giới. Những thay đổi về chính sách kinh tế, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất với USD đã tạo cơ hội cho đồng tiền này nâng cao giá trị so với những đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ. Ngoài ra, yếu tố tác động tới đồng USD phải kể đến chênh lệch giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn ngắn ở mức thấp, thậm chí bị âm khiến các ngân hàng có xu hướng giữ USD nhiều hơn. Tuy nhiên, trong các yếu tố làm đồng USD biến động không có hiện tượng đầu cơ.

“Leo thang” vượt khỏi ngưỡng 23.000 VND, giá USD đã thiết lập “đỉnh” mới từ những ngày đầu tháng 7. Mặc dù tỷ giá này đã “hạ nhiệt”, nhưng vẫn vượt ngưỡng trên. Trên thực tế, đồng USD chỉ bớt "nóng" sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.647 VND/USD và giữ nguyên giá bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại là 23.050 VND/USD. Cơ quan này cũng đã bán USD cho các ngân hàng thương mại để góp phần bình ổn thị trường. Còn tại các ngân hàng thương mại, giá USD được giao dịch ở mức 23.000 VND/USD (mua vào) - 23.080 VND/USD (bán ra). Trên thị trường tự do, giá USD cũng không còn cao ngất ngưởng, mà lùi xuống ngưỡng khoảng 23.190 VND/USD đối với chiều bán ra. Nếu so với thời kỳ “đỉnh” từ đầu tháng, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm khoảng 20 VND/USD, còn ở thị trường tự do giảm 30 VND/USD.

Mặc dù USD tăng khoảng 1,5% kể từ đầu năm đến nay, nhưng nếu so sánh với lãi suất tiết kiệm, rõ ràng gửi VND vẫn có lợi hơn USD, bởi USD vẫn đang ở lãi suất 0%. Trong khi lãi suất VND đang được áp dụng ở ngưỡng 6-7%/năm với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, khoảng 5%/năm với kỳ hạn ngắn 1 tháng, gửi VND vẫn mang lại nguồn lợi cho khách hàng.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), với thông tin dự trữ ngoại hối khoảng 63,5 tỷ USD và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ, cam kết tỷ giá không biến động quá 2% trong năm nay, tính ra tỷ giá đã tăng khoảng 1,5% nên dư địa tăng tiếp là không nhiều. Người dân dồn vốn vào USD sẽ không có lợi.

Được biết, đến nay cung cầu ngoại tệ vẫn bình thường, hầu hết doanh nghiệp và người dân không còn tâm lý găm giữ ngoại tệ mà vẫn chọn giữ VND để hưởng lãi suất. Việc cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia dự báo về khả năng biến động của đồng USD sẽ không quá 2% cũng giúp doanh nghiệp tính toán mức biến động của tỷ giá vào giá cả sản phẩm ngay từ đầu năm.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước nhận định, từ cuối tháng 5 đến nay, có một số ngày tỷ giá tăng khá nhanh, nhưng thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động từ việc tăng lãi suất của FED; quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; động thái của Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản; cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ USD hay VND?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.