Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thông đa phương tiện - Xu thế tất yếu

Tuấn Kiệt| 15/04/2014 09:46

(HNM) - Có thể khẳng định, báo chí trên thế giới những năm gần đây đã có sự chuyển hướng rất mạnh mẽ. Báo in đang ở trong tình trạng rất khó khăn, nhiều tờ báo lớn thế giới có tuổi đời hàng trăm năm như Newsweek, Times-Picayune đã phải đi đến những quyết định lịch sử là bỏ báo in chuyển sang báo điện


Báo in gặp khó khăn, số lượng độc giả truyền thống suy giảm, phát hành kém, dẫn đến hoạt động kinh doanh ngày càng gian nan hơn, do đó việc phát triển báo điện tử hiện nay là xu hướng tất yếu. Song cũng không phải vì thế mà báo in bị đẩy khỏi "cuộc chơi". Thay vào đó, các tòa soạn báo có xu hướng hình thành các tổ hợp, tòa soạn đa phương tiện để tận dụng nguồn lực, tạo sự tương hỗ mạnh mẽ giữa các thể loại báo chí.

Phóng viên HNMO tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: Tuấn Kiệt


Không nằm ngoài xu hướng và cũng để tận dụng tốt nhất những lợi ích mang lại từ công nghệ truyền thông hiện đại, Báo Hànộimới là một tờ báo có sự "bắt nhịp" khá sớm. Từ năm 2003, khi mà báo điện tử vẫn còn là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, Hànộimới đã nhanh chóng xây dựng và ra mắt trang báo điện tử tại địa chỉ www.hanoimoi.com.vn, trở thành một dấu mốc đáng nhớ trong làng báo Thủ đô khi đó. Ngay sau khi hòa vào mạng báo chí điện tử trên internet, Hànộimới đã tổ chức một đội ngũ làm báo mạng chuyên biệt với những kỹ năng đa phương tiện, có thể tác nghiệp với nhiều công cụ, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhất.

Tuy nhiên, dù ra đời khá sớm, nhưng giống nhiều tờ báo điện tử xuất hiện trong hơn một thập niên qua, Hànộimới điện tử được xây dựng theo mô hình tòa soạn tách biệt (là một tòa soạn thu nhỏ hoạt động tách biệt với các ấn phẩm báo in khác của Hànộimới). Điểm yếu lớn nhất của mô hình tòa soạn độc lập là không phát huy được sức mạnh nguồn nhân lực. Nó khiến cho bộ máy của cả tòa soạn trở nên cồng kềnh, cần nhiều nhân sự trong khi công việc điều hành nhiều khi rơi vào tình trạng chồng chéo, trong khi đó hiệu quả thông tin lại không cao. Điều này đòi hỏi Hànộimới phải tiếp tục có sự đột phá. Năm 2013, Ban Biên tập báo một lần nữa đặt ra mục tiêu xây dựng tòa soạn tích hợp, đa phương tiện, lấy báo điện tử làm trung tâm.

Đến lúc này, không ai có thể phủ nhận được ưu thế vượt trội về không gian và tốc độ của truyền thông điện tử. Hãy lấy ví dụ từ sự kiện mới nhất đang làm nóng toàn thế giới là vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của Malaysia. Trong lúc giới chức dồn lực tìm kiếm thì với truyền thông cũng là một chiến dịch lớn. Công nghệ truyền thông đa phương tiện đã được tận dụng tối đa. Nhiều tờ báo trong nước cử phóng viên theo sát các đội tìm kiếm, cứu hộ và họ đã làm tốt nhất công việc của mình, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh trên báo điện tử, đồng thời chọn lọc cho tất cả các ấn phẩm trong tòa soạn. Ngoài yếu tố thông tin trực tiếp, nhanh nhất thì chính báo điện tử cũng đã là kênh tương tác, nhận lại phản hồi từ độc giả, sự phản biện và kiểm chứng thông tin một cách nhanh nhất, để tòa soạn có thể cân nhắc, lựa chọn những nội dung tốt nhất đưa đến bạn đọc báo in hay các thể loại báo chí khác.

Không chỉ lợi thế về thông tin, thực tế việc vận hành tòa soạn đa phương tiện, tích hợp "nhiều trong một" chắc chắn sẽ giúp Hànộimới sắp xếp hợp lý hơn bộ máy nhân sự vốn đang cồng kềnh và có phần chồng chéo; đồng thời giảm thiểu chi phí nhưng vẫn bảo đảm phát huy tiềm lực các loại hình truyền thông mới và tạo ra mối quan hệ tương tác giữa các kênh truyền thông, các sản phẩm báo chí trong tòa soạn.

Xây dựng tòa soạn tích hợp là mục tiêu phía trước, cũng là đòi hỏi gay gắt từ thực tế phát triển. Thách thức lớn nhất của Hànộimới lúc này là chưa có được một không gian đủ rộng để áp dụng ngay mô hình hội tụ làm việc với bàn "siêu biên tập" (tất cả làm chung trên một mặt phẳng thay vì mỗi loại hình, phòng, ban bố trí khu vực riêng rẽ). Tuy nhiên, Ban Biên tập báo đã xác định sẽ vận dụng thích hợp trong điều kiện hiện có, tạo cơ chế để các ban, phòng chuyên môn dễ dàng trao đổi ý tưởng và có phản hồi ngay sau khi nhận được chỉ thị của lãnh đạo. Các phòng, ban có thể trao đổi trực tiếp với nhau và lên kế hoạch sản xuất tin tức, từ đó điều hành phóng viên đưa tin một cách tốt nhất cho mỗi loại hình báo chí.
Xây dựng tòa soạn Hànộimới đa phương tiện cũng là cách tận dụng các công cụ mạng xã hội để nghiên cứu, thu thập tin tức, sản xuất và phổ biến tin tức. Từ đó, báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử hay báo chí trên các thiết bị di động có sự tương hỗ quảng bá lẫn nhau… Các mục tiêu ấy, Hànộimới kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành trong năm 2014 này, góp phần khẳng định uy tín và vị thế hàng đầu của tờ báo Đảng Thủ đô.

*Thời gian qua, tuy chưa chính thức áp dụng mô hình tòa soạn tích hợp, nhưng Hànộimới đã có sự "tập dượt" bằng việc phát triển các loại hình báo chí khác nhau trên báo điện tử. Hiện tại, trên trang www.hanoimoi.com.vn đã cung cấp các dịch vụ tin tức gồm: trang tin tức (web), truyền hình, phát thanh, báo in (bản PDF tất cả các ấn phẩm báo in của Hànộimới).

*Báo đang xây dựng hệ thống quản trị nội dung trên nền tảng internet, từng bước đầu tư hạ tầng, công nghệ, thiết bị hiện đại. Hànộimới đặt mục tiêu giản lược quá trình thu thập thông tin mà vẫn đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh; tiết kiệm nguồn lực, tránh sự trùng lặp; tin tức rõ ràng và nhất quán trên tất cả các thiết bị và loại hình báo chí của báo; mở rộng khả năng tương tác với bạn đọc…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông đa phương tiện - Xu thế tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.