Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có thể sản xuất tin, bài dạng clip đơn lẻ phát trên báo điện tử

Việt Nga| 25/04/2014 06:31

(HNM) - Mới đây, trên một số báo mạng xuất hiện thông tin về việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình rồi đưa lên trang thông tin điện tử của mình là không đúng quy định hiện hành...

Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác…

Nhiều cơ quan báo chí có chuyên mục về truyền hình

Những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí - gồm cả báo in và báo điện tử - đã dành chuyên mục riêng trên website của mình để phát các bản tin truyền hình là những video clip hoặc hợp tác với các nhà đài để phát lại một số chương trình truyền hình… Có thể dễ dàng tìm các chương trình kiểu này như www.tuoitre.com.vn (Báo Tuổi trẻ) có TuoitreTV, www.thanhnien.com.vn (Báo Thanh niên) có Thanhnienonline media, Báo điện tử Vietnamnet.vn có Truyền hình Vietnamnet, Báo Hànộimới có chuyên mục “Bản tin truyền hình” phát trên www.hanoimoi.com.vn...

Chuyên trang Truyền hình online.


Có thể khẳng định rằng việc các cơ quan báo chí phát các chương trình truyền hình này phù hợp với xu hướng hội tụ trong lĩnh vực truyền thông hiện nay (tất nhiên phải tuân thủ theo giấy phép) nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc có thể đồng thời đọc, xem, nghe. Hơn nữa, với việc phát các bản tin truyền hình này, cơ quan báo in và báo điện tử cũng đã hỗ trợ đối tượng bạn đọc là người khuyết tật có thể nắm bắt thông tin sự kiện khi nghe lời dẫn, lời bình phát kèm hình ảnh. Mặt khác, trong thời buổi bùng nổ công nghệ hiện nay, với sự phát triển vượt trội của các thiết bị smartphone, máy tính bảng khiến bất kỳ công dân nào cũng có thể sử dụng để tác nghiệp như một phóng viên và khi họ chia sẻ các clip tự quay này đến cơ quan báo chí để đăng tải đã gây sự chú ý của cộng đồng. Chẳng hạn clip của một bạn đọc gửi Báo Tuổi trẻ đăng tải (sau VTV phát lại) về việc cô giáo Tòng Thị Minh ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chui vào túi ni lông qua suối đến trường dạy học đã gây xúc động mạnh trong dư luận, khiến cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc. Đặc biệt là, với cơ quan báo in, nhất là các báo Đảng, bên cạnh phương thức truyền tải truyền thống, việc đẩy mạnh tuyên truyền qua internet, trong đó có việc đưa tin bằng các clip, có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị như tăng cường kênh thông tin chính thống, bảo đảm định hướng tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nhất là với những vấn đề lớn, vụ việc nóng… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong thời gian qua, có tình trạng một số báo điện tử đã đăng tải những clip có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, chạy theo thị hiếu tầm thường… Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến vai trò quản lý nhà nước về nội dung nên chúng tôi chưa bàn đến trong bài viết này.

Xu thế tất yếu

Để làm rõ vấn đề cơ quan báo chí mở chuyên mục truyền hình trên website của mình có vi phạm quy định hiện hành hay không, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam và Báo điện tử Infonet (thuộc Bộ TT-TT) cho rằng, hầu hết các chuyên mục truyền hình đưa lên internet của các cơ quan báo chí không phải là chương trình truyền hình mà là các clip phát dưới dạng bản tin có hình ảnh, lời bình theo hình thức đa phương tiện. Việc đặt tên gọi là “bản tin truyền hình” hoặc “truyền hình” chỉ là cách phân biệt với các chuyên mục khác của cơ quan báo chí đó. Một lãnh đạo của Báo Tuổi trẻ cũng chia sẻ, các cơ quan báo chí chủ yếu tự sản xuất clip để minh họa cho các bản tin của mình thêm sinh động, hấp dẫn, nên bị xếp vào sản xuất chương trình truyền hình là không đúng; vì để sản xuất chương trình truyền hình ngoài việc xin giấy phép (vốn khó khăn), thì các vấn đề về tài chính, về thị trường… cũng không cho phép cơ quan báo chí có thể dễ dàng làm việc này. Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái cho rằng, việc các cơ quan báo chí mở thêm chuyên mục về truyền hình là bình thường, giống như các “nhà đài” ra ấn phẩm tạp chí truyền hình và phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay. Như vậy, cần khẳng định rằng chuyên mục truyền hình, hay gọi cho đúng là các clip do cơ quan báo chí tự làm và phát trên trang web không phải là chương trình truyền hình. Vì, để được gọi là sản xuất chương trình truyền hình phải có các điều kiện đi kèm như mục đích, tên gọi, thời lượng phát sóng, rồi các yêu cầu liên quan đến quy trình sản xuất như máy quay, phương thức truyền dẫn và đặc biệt là phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, để tránh gây ra hiểu lầm trong dư luận, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ khái niệm về chương trình truyền hình và sự khác nhau giữa làm các bản tin bằng clip và chương trình truyền hình.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo cũng khẳng định, thông tin về cơ quan, quản lý nhà nước cấm cơ quan báo chí sản xuất chương trình truyền hình là không chính xác. Việc sản xuất và phát sóng các kênh, chương trình truyền hình đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành (Điều 12 - Nghị định 51/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999; Thông tư 07/2011 của Bộ TT-TT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình) và phải được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT cấp phép hoạt động truyền hình. Hiện số lượng đài, kênh truyền hình trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của khán giả ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Vì vậy, tại dự thảo Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, đã trình Chính phủ cũng không đề cập đến việc cấp phép hoạt động truyền hình cho các báo điện tử cũng như các cơ quan báo chí khác. Ông Bảo nhấn mạnh, các cơ quan báo chí có thể sản xuất các tin, bài dưới dạng clip minh họa đơn lẻ để phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan mình. Đồng thời, với các sản phẩm bằng hình ảnh đó, cơ quan báo cũng có thể phối hợp với các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình có hạ tầng truyền dẫn để phát sóng. Với vai trò là đơn vị chủ trì, Cục sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Bộ những chính sách pháp lý nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý liên quan đến việc cung cấp, phát sóng các kênh chương trình, các chương trình phát thanh - truyền hình, bảo đảm đáp ứng xu hướng hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ và tuân thủ đúng các quy hoạch về báo chí, về dịch vụ phát thanh - truyền hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có thể sản xuất tin, bài dạng clip đơn lẻ phát trên báo điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.