Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác, cung cấp dịch vụ OTT: Không dễ

Việt Nga| 29/08/2014 06:36

(HNM) - Dư luận từng nhắc đến việc các nhà mạng hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ OTT hoặc đưa ra các gói cước OTT đến cho khách hàng, song đến nay dường như vẫn chưa có tiến triển.



Từ năm 2013, dư luận từng nhắc đến việc các nhà mạng hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ OTT hoặc đưa ra các gói cước OTT đến cho khách hàng, song đến nay dường như vẫn chưa có tiến triển.

Khách hàng vẫn chờ đợi dịch vụ OTT.


Trong các thuê bao OTT kể trên thì Viber (của Israel) có 12 triệu thuê bao, Zalo (của VNG - Việt Nam) khoảng 10 triệu, Line (của Hàn Quốc) 4 triệu thuê bao. Theo ước tính, vì các dịch vụ OTT khiến cả 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone bị giảm khoảng 9-10% doanh thu/năm. Vừa bị OTT sống "ký sinh" trên hạ tầng, vừa bị "cướp" doanh thu, song OTT lại là xu thế không thể chối bỏ, nên các nhà mạng không còn cách nào khác là phải chấp nhận. Vì vậy, ở thời điểm dịch vụ OTT bùng nổ, các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành đã đặt ra chuyện giữa nhà mạng và các nhà kinh doanh dịch vụ OTT cần phải hợp tác để nhà mạng bớt thiệt hại còn nhà cung cấp OTT thì có điều kiện phát triển…

Theo các chuyên gia, nhà mạng cần phải hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ OTT khai thác hiệu quả hạ tầng đang có như kết hợp gói cước 3G, kết nối cuộc gọi từ OTT, đưa các dịch vụ, sản phẩm mới như: nội dung số, mobile games, quảng cáo, thương mại điện tử... nhằm đa dạng hóa nguồn thu và thu hút thêm thuê bao. Nhà cung cấp giải pháp toàn cầu Ericsson từng cho biết, nhiều nhà mạng trên thế giới đã lựa chọn mô hình hợp tác này và đạt sự gia tăng đáng kể về doanh thu. Nhiều chuyên gia cũng phân tích, thời gian tới doanh thu từ thoại và tin nhắn chỉ chiếm 10-30% trên tổng doanh thu bình quân thuê bao trong các nhà mạng thì việc có các gói dịch vụ OTT sẽ là cơ hội…

Việc hợp tác giữa nhà mạng - nhà cung cấp đã được chỉ ra, thậm chí năm 2013 cơ quan quản lý nhà nước cũng từng tổ chức các hội thảo về chủ đề này, song đến nay chưa có tiến triển mới. Gần đây có thông tin các nhà mạng lớn đã thiết kế, thử nghiệm để đưa ra thị trường gói cước OTT, nhưng thông tin cũng chỉ dừng lại ở đó. Vì sao lại có chuyện này? Thứ nhất, việc hợp tác - nhất là giữa các nhà mạng vốn sẵn thế mạnh về hạ tầng, tài chính với "kẻ phá bĩnh" sống "ký sinh" như DN cung cấp OTT là không dễ, nếu không muốn nói là khó, cho dù OTT đang là xu thế không thể chối bỏ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi các nhà mạng khó xuống thang còn nhà cung cấp dịch vụ OTT cũng đưa ra mức đàm phán cao giá. Thứ hai, cũng như đã nói ở trên, do chất lượng mạng 3G chưa đồng đều nên khách hàng thực hiện thoại, nhắn tin OTT vẫn còn hạn chế, chủ yếu khách hàng dùng OTT để gọi quốc tế khiến doanh thu mảng dịch vụ này của DN bị thiệt hại nặng. Thêm nữa, cước di động hiện được đánh giá là rẻ nên đó cũng là lý do mà hằng năm doanh thu của các nhà mạng trong nước vẫn cao…

Đó là những lý do khiến nhà mạng vẫn ở chiếu trên so với DN OTT và câu chuyện hợp tác vẫn "dậm chân tại chỗ"! Nhưng, còn một nguyên nhân khác nữa không thể không nhắc đến là bản chất của việc kinh doanh viễn thông là người dân chỉ chi một khoản cố định cho tiêu dùng mặt hàng này nên nhà mạng có thể bị sụt giảm doanh thu không hoàn toàn là do khách hàng chuyển sang dùng dịch vụ khác mà là còn do các yếu tố khác. Hay nói một cách khác là không có chuyện "kẻ phá bĩnh" làm giảm doanh thu đồng nghĩa với việc người dùng chuyển sang dùng dịch vụ của kẻ đó. Còn về câu chuyện nhà mạng đang thiết kế gói cước OTT? Được biết, trong một số cuộc hội thảo cả 3 nhà mạng lớn từng cho biết khả năng họ sẽ đưa ra các gói dịch vụ OTT của mình. Có nhà mạng lớn trong nước đã thiết kế thử nghiệm gói cước này, nhưng các thông tin được biết, không dễ để triển khai vì chính mình lại "ăn" vào "thịt" mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác, cung cấp dịch vụ OTT: Không dễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.