Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý dịch vụ OTT tại Việt Nam: Lợi cả 3 nhà

Việt Nga| 19/12/2014 07:01

(HNM) - Dịch vụ OTT (gọi điện, nhắn tin miễn phí) ra đời vừa đem lại tiện tích cho người sử dụng, vừa là nguy cơ đe dọa đến doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ di động.



Nhưng, OTT lại là một xu thế không thể chối bỏ khiến các nhà mạng không chỉ hợp tác với "nó" mà thực tế còn phải thay đổi mô hình tổ chức cho phù hợp với xu thế công nghệ mới. Thế nên cũng là dễ hiểu khi cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý dịch vụ này tại Việt Nam.

Ảnh minh họa từ internet


Hai năm trở lại đây, dịch vụ OTT bắt đầu "làm mưa làm gió" tại thị trường viễn thông Việt Nam với việc các dịch vụ 3G ngày càng phát triển, có giá cước bình dân, dịch vụ wifi miễn phí tại khách sạn, nhà hàng và một số điểm du lịch, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone ngày một tăng... Cũng từ đó, OTT đã khiến các nhà mạng lớn trong nước bị giảm doanh thu ước tính 10%/năm… Xung quanh vấn đề này cũng đặt ra yêu cầu phải tính tới chuyện hợp tác giữa các nhà mạng trong nước với DN cung cấp dịch vụ OTT và cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng quy định để bảo đảm cho sự hợp tác này cũng như sự ràng buộc về trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ OTT. Vì vậy, cơ quan soạn thảo là Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) vừa hoàn thành dự thảo thông tư quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ OTT và lấy ý kiến góp ý của cộng đồng.

Điểm đáng chú ý của dự thảo là các DN cung cấp dịch vụ OTT sẽ bị quản lý. Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với DN viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet. Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với DN viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông. Đây cũng là ý kiến gây tranh cãi trên các diễn đàn.

Thứ nhất, có luồng ý kiến cho rằng, nếu chưa đạt được thỏa thuận hợp tác, quy định này có thể "tạo điều kiện" cho chính nhà mạng khi sử dụng lợi thế hạ tầng, mạng lưới của mình để có biện pháp chặn các ứng dụng OTT; ngoài ra trong quá trình hợp tác cũng có thể xảy ra chuyện DN OTT đạt được các thỏa thuận và hợp tác với nhà mạng này tốt, nhưng lại không đáp ứng, đạt được thỏa thuận với nhà mạng khác và bị chặn dịch vụ… cuối cùng người sử dụng chịu thiệt. Vì, trong các gói cước dữ liệu 3G mà khách hàng mua đã gồm quyền sử dụng các dịch vụ trên nền internet (trong khi OTT miễn phí và nếu thu phí đều sử dụng dữ liệu trên nền internet) nên nếu giữa nhà mạng và DN cung cấp OTT không có sự hợp tác thì khách hàng bị thiệt.

Thứ hai, nhiều ý kiến ủng hộ phải quản lý DN cung cấp OTT vì DN này không phải đầu tư hạ tầng mạng lưới, chỉ sống "ký sinh" trên hạ tầng mạng lưới của DN cung cấp dịch vụ di động, nên cần có các quy định ràng buộc với đối tượng này. Trong khi đó, DN viễn thông để có điều kiện hoạt động phải có nhiều điều kiện ràng buộc, vì vậy nếu không quản lý DN cung cấp OTT sẽ là bất công cho nhà mạng. Hơn nữa, những quy định ràng buộc trách nhiệm như kể trên cũng là cách để ràng buộc các DN OTT có trách nhiệm, bảo đảm an toàn thông tin cho người sử dụng…

Trong một hội thảo do Bộ TT-TT tổ chức năm 2013 bàn về hợp tác giữa các DN cung cấp OTT với các nhà mạng trong nước, đại diện Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã đưa ra mô hình hợp tác thành công giữa nhà mạng và DN OTT trên thế giới đã góp phần đem lại doanh thu cao cho cả hai. Tại một số hãng viễn thông trong khu vực, việc hợp tác giữa mô hình này giúp nhà mạng đưa ra các gói cước OTT có giá khoảng 100.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý OTT như thế nào thì vẫn chưa có một quy chuẩn ứng xử thống nhất trên thế giới, trong đó có chuyện một số nước ở khu vực Trung Đông, Châu Âu "cấm cửa" OTT, còn tại nhiều nước lại có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ này phát triển. Nói về thông tư này, tại cuộc họp giao ban đầu tháng 12-2014, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo này để áp dụng. Như vậy, nếu chính sách này được áp dụng sẽ tạo điều kiện hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ di động, DN cung cấp dịch vụ OTT và người dùng di động có cơ hội sử dụng thêm dịch vụ đem lại lợi ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dịch vụ OTT tại Việt Nam: Lợi cả 3 nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.