Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống nghẽn mạng dịp tết Nguyên đán: "Nhà mạng" đã sẵn sàng

Việt Nga| 05/02/2016 06:35

(HNM) - Ba nhà cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần lớn Viettel, MobiFone, VNPT - VinaPhone đã sẵn sàng các phương án phòng chống nghẽn mạng. Song, tương tự như vài năm trước, việc chống nghẽn mạng không nằm ở chuyện


Tổng công ty VNPT - VinaPhone cho biết, đã thực hiện đồng bộ nhiều phương án, gồm củng cố và mở rộng vùng phủ sóng VinaPhone; triển khai các giải pháp chống nghẽn lưu lượng thoại, dịch vụ 3G, tin nhắn cục bộ tại các khu vực trọng điểm. Đặc biệt, nhà mạng này thực hiện mở kết nối internet quốc tế lên 170 Gbps để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng có thể tăng đột biến trong thời gian tết Nguyên đán. Mạng truyền dẫn đường trục Bắc - Nam cũng được mở rộng dung lượng thêm tới gần 400 Gbps.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động đã xây dựng phương án phòng chống nghẽn mạng dịp tết Bính Thân. Ảnh: Đình Thắng


Theo Tổng công ty Mạng lưới Viettel, để bảo đảm chất lượng mạng lưới cho dịp tết Nguyên đán 2016, từ tháng 10-2015, Viettel đã triển khai các phương án ứng cứu thông tin, vật tư thiết bị dự phòng và thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống xử lý sự cố bất thường. Viettel cũng tổ chức lực lượng lên tới 2.000 cán bộ kỹ thuật trực giám sát và điều hành mạng lưới 24/24 giờ. Riêng đối với các sự kiện có quy mô lớn trên 10.000 người, nhà mạng này bố trí 3 lớp giám sát xuyên suốt từ cấp tỉnh, thành phố, khu vực, nhằm phối hợp kịp thời, nhanh chóng xử lý sự cố, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu liên lạc, chia sẻ thông tin của khách hàng trong những ngày Tết cổ truyền.

Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã sẵn sàng thiết bị mạng để hoạt động an toàn; nâng cấu hình bảo đảm truyền tải dữ liệu tại các trạm thu phát sóng đạt 42Mbps; mở rộng băng thông truyền dẫn các trạm BTS; triển khai các xe phát sóng lưu động, bảo đảm kịp thời hỗ trợ thông suốt mạng lưới tại những vị trí có thể có những đột biến về lưu lượng…

Điều đáng lưu ý, xu hướng sử dụng dịch vụ giờ chuyển dịch mạnh từ thoại, nhắn tin sang dùng dữ liệu với sự phát triển mạnh của các mạng xã hội và khách hàng có nhu cầu chia sẻ thông tin trên mạng xã hội là điều được các nhà mạng tính tới. Vì vậy, cũng là dễ hiểu, trong các phương án phòng chống nghẽn, các nhà mạng đều lên chi tiết về việc bảo đảm truyền tải dữ liệu mạng 3G cho khách hàng. VNPT - VinaPhone khẳng định trong năm 2015 sau khi mở rộng vùng phủ 3G đến nay đạt gần 11.000 trạm BTS nodeB 3G; mở rộng băng thông Data, nâng cấp cấu hình, tăng công suất cho các trạm 3G để tăng dung lượng và mở rộng vùng phủ sóng… Tại các khu vực trọng điểm, các trạm 3G được nâng cấp công nghệ mới để hỗ trợ truy cập tốc độ download (tải xuống) tới 42 Mbps. Đặc biệt, nhà mạng này cũng có phương án kỹ thuật với khu vực tập trung đông người bằng cách thực hiện tối ưu trạm phát sóng, nâng cấp phần mềm và phương án ứng cứu cơ động tại các điểm tập trung đông người xem bắn pháo hoa.

Viettel dự báo năm 2016 tỷ lệ thuê bao sử dụng 3G tăng từ 30% lên hơn 50% và tiêu dùng dịch vụ dữ liệu cũng tăng gấp đôi.

Vì vậy, để bảo đảm chất lượng mạng, nhất là chất lượng dịch vụ Data nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi truy nhập internet, chia sẻ dữ liệu, hình ảnh, video… Viettel đã đầu tư tài nguyên và phát sóng gần 800 trạm BTS mới; tối ưu và nâng cấp cấu hình cao cho hơn 20.000 trạm phát sóng tại tất cả tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đối với các khu vực diễn ra lễ hội, sự kiện lớn, tòa nhà, chung cư tập trung đông người, Viettel đã chuẩn bị 90 lượt xe phát sóng cơ động (mỗi xe tương đương với 3 trạm BTS). Nhà mạng này cũng khẳng định, mạng lưới của Viettel có khả năng bảo đảm kết nối cho hơn 80 triệu thuê bao, đáp ứng trong một giờ khoảng 500 triệu tin nhắn và 300 triệu cuộc gọi (cao gấp 3 lần nhu cầu trong giờ Giao thừa).

Các bưu điện lớn hoạt động đến hết ngày 6-2

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, dịp tết Nguyên đán Bính Thân, các bưu cục trung tâm tỉnh, thành phố phục vụ đến hết ngày 6-2 (tức ngày 28 tháng Chạp) và mở cửa trở lại vào ngày 11-2 (mùng 4 tháng Giêng). Các bưu cục, điểm phục vụ khác, căn cứ theo tình hình thực tế, do giám đốc các bưu điện tỉnh, thành phố quyết định. Các dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế VNQuickpost, đại lý PUD DHL hoạt động đến hết ngày 5-2; trở lại vào ngày 13-2. Riêng Bưu điện TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các bưu cục tham gia triển khai dịch vụ VNQuickpost cải tiến, giao nhận đến hết ngày 6-2.

Đối với dịch vụ đại lý UPS, cung ứng dịch vụ đến hết ngày 5-2. Bưu điện tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giao nhận đến hết ngày 6-2; hoạt động bình thường vào ngày 15-2. Việc trả các phiếu chuyển tiền trong nước và quốc tế thực hiện đến hết ngày 6-2…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống nghẽn mạng dịp tết Nguyên đán: "Nhà mạng" đã sẵn sàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.