Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số hóa truyền hình tại Hà Nội: Chạy đua với tiến độ

Việt Nga| 27/05/2016 05:45

(HNM) - Theo kế hoạch, kể từ ngày 15-6 tới, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh bắt đầu tắt sóng

Tuy nhiên, không chỉ người dân 4 địa phương này không được xem 7 kênh analog, mà việc tắt sóng còn ảnh hưởng tới 19 tỉnh, thành lân cận. Do vậy, Nhà nước phải hỗ trợ và thực hiện lắp đặt đầu thu DVB-T2 cùng lúc cho 23 địa phương để các hộ nghèo, cận nghèo được xem truyền hình số. Việc tắt sóng "mềm" 7 kênh không thiết yếu cũng được coi là đợt chuẩn bị cho việc tắt sóng hoàn toàn kênh truyền hình analog để chuyển sang phát truyền hình số từ ngày 15-8-2016.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, tính đến ngày 24-5, có 22/23 tỉnh, thành phố đã, đang hoàn tất khâu lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo thuộc diện được lắp đặt. Tại Hà Nội, sau cuộc họp giữa Bộ TT-TT và UBND TP Hà Nội về việc triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số của đề án số hóa truyền hình tổ chức mới đây, các bên đã, đang cùng làm việc, thống nhất cách thực hiện để Quỹ Viễn thông công ích và doanh nghiệp (gồm liên danh nhà thầu trúng thầu dự án cung cấp, lắp đặt đầu thu tại Hà Nội và phụ cận) triển khai lắp đặt sớm nhất có thể. Được biết, trong đầu tuần này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã làm việc với Viettel Hà Nội, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, doanh nghiệp trúng thầu về việc triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số.

Theo ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Hà Nội hiện có 66.602 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới của trung ương (trong đó có 44.765 hộ nghèo và 21.837 hộ cận nghèo). Hiện đã có phương án hỗ trợ đầu thu cho 46.409 hộ, gồm 34.409 hộ được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và 12.000 hộ được Viettel hỗ trợ bằng việc lắp đặt truyền hình cáp. Tuy nhiên, vẫn còn 7.193 hộ gia đình (chưa kể 13.000 hộ nghèo chưa có ti vi) cần được hỗ trợ đầu thu. Con số "dôi" ra là do thời điểm thực hiện thống kê trước và sau khi áp dụng cách tính chuẩn nghèo mới theo tiêu chí của trung ương.

"Với các hộ này, chúng tôi đề xuất ba phương án. Cụ thể, đề nghị Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ lắp đặt đầu thu kỹ thuật số, Viettel Hà Nội hỗ trợ bằng đầu thu kỹ thuật số. Trường hợp Viettel Hà Nội và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích không kịp hỗ trợ, thành phố sẽ hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố" - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị.

Về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cùng lãnh đạo các Cục Tần số, lãnh đạo Quỹ Viễn thông công ích khẳng định, căn cứ theo các quy định, Bộ TT-TT có thể hỗ trợ các hộ này vì Quỹ được phép chi trong phạm vi tăng, giảm 5-10% so với dự toán. Hà Nội làm văn bản đề xuất để Bộ triển khai. Lãnh đạo Bộ TT-TT và UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai lắp đặt STB cho 34.409 hộ gia đình theo quy định, đẩy nhanh việc bàn giao lắp đặt đầu thu truyền hình số nhằm bảo đảm tiến độ tắt sóng như quy định.

Thời gian để Hà Nội triển khai lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn không còn nhiều nhưng theo lãnh đạo Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích thì không đáng lo ngại. Khi nhận được bàn giao, doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải tập trung nhân lực tối đa để triển khai. Dù vậy, để việc lắp đặt đầu thu bảo đảm đúng tiến độ rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Số hóa truyền hình tại Hà Nội: Chạy đua với tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.