Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ ”lửa” cho muôn đời sau

Nguyên Hoa| 18/10/2014 07:11

(HNM) - 23 tuổi, chàng trai Lâm Văn Bảng tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu tại miền Đông Nam bộ và chiến dịch Mậu Thân, Lâm Văn Bảng bị thương, bị địch bắt năm 1968 và giam cầm trong nhà tù Phú Quốc.

Bị thương hạng 1/4 và may mắn còn sống trở về sau ngày đất nước hòa bình nhưng hình ảnh đồng đội bị lính Ngụy hành quyết, thủ tiêu, tra tấn… đã đeo bám ông suốt cả cuộc đời. Với mong muốn tri ân các anh hùng liệt sĩ và tố cáo tội ác chiến tranh, từ năm 1985, CCB Lâm Văn Bảng cùng một số bạn chiến đấu quyết tâm đi sưu tầm hiện vật trong nhà tù để trưng bày.



Với phương châm “tự nguyện, tự túc, tự chịu trách nhiệm”, ông cùng đồng đội không quản đường sá xa xôi, vất vả, đi khắp các vùng, miền của Tổ quốc sưu tầm hình ảnh, hiện vật, tư liệu. Nhiều lần trong quá trình sưu tầm hiện vật, ông phải nhịn đói, nhịn khát, nhất là khi vết thương tái phát tưởng chừng không vượt qua được; đã có lần ông phải nhập viện. Trong quá trình đi tìm hiện vật bảo tàng, ông cùng với đồng đội và Đội quy tập hài cốt tỉnh Kiên Giang đã tìm được 1.620 hài cốt liệt sĩ bị địch thủ tiêu tại nhà tù Phú Quốc.

Khi có hiện vật, ông đã vận động vợ con chuyển đến nơi ở khác, lấy đất nhà mình làm nơi trưng bày. Để có 2.000m2 đất cho bảo tàng trưng bày các hiện vật trong nhà tù Phú Quốc, ông cùng gia đình và bạn bè chung tay góp sức lao động, đổ trên 3.000m3 đất, cát để xây dựng khuôn viên bảo tàng. Trong quá trình xây dựng, có những lúc không tránh khỏi sự căng thẳng trong gia đình, sự bàn tán của người xung quanh nhưng ông vẫn lặng lẽ làm việc. Đến nay, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên) do ông làm Giám đốc, đã có gần 4.000 hiện vật. Bảo tàng là nơi tri ân các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, các anh hùng liệt sĩ và tuyên truyền về truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ngoài việc đón hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan trong 5 năm qua, ông Lâm Văn Bảng còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Triển lãm lưu động tại Trung tâm triển lãm quốc gia Vân Hồ, tại Làng sinh viên, các trường đại học và các tỉnh, thành phố: Nha Trang, Thanh Hóa, Nghệ An... Đặc biệt, tháng 5-2014, Bảo tàng đã cùng Hội CCB Phú Xuyên, NXB Thông tin truyền thông, Cục Bản đồ, Nhà sách Giải phóng Sài Gòn sưu tầm tài liệu, tổ chức triển lãm "Phú Xuyên với biển đảo". Triển lãm đã đón hơn 3.000 lượt người đến xem, góp phần làm rõ chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua những hiện vật, tài liệu lịch sử.

Với những cống hiến cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, CCB Lâm Văn Bảng đã được Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu năm 2013. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô năm 2014 này, ông được thành phố vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ ”lửa” cho muôn đời sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.