Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỹ sư đam mê sáng tạo

Nguyễn Linh| 28/10/2014 06:32

(HNM) - Luôn nỗ lực sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, kỹ sư Lương Quốc Hưởng (Công ty TNHH Điện tử Meko, KCN Thạch Thất - Quốc Oai) đã làm lợi cho Công ty gần 1,7 tỷ đồng/năm nhờ chế tạo thành công thiết bị đưa board mạch vào máy in kem tự động (SMT Loader).



Là kỹ sư phụ trách kỹ thuật, đứng trước yêu cầu tăng năng suất dây chuyền sản xuất máy in kem của công ty, anh Hưởng tìm giải pháp cải tiến thao tác thủ công đưa board mạch vào line bằng tay.

Kỹ sư Lương Quốc Hưởng.


Từ thực tế, kế hoạch sản xuất cao, nhưng thao tác thủ công thì không thể nhanh và đều đặn. Công nhân thường đầu giờ hăng hái làm việc, cuối giờ mệt mỏi làm ảnh hưởng đến sản lượng. Không những thế, năng suất line phụ thuộc vào tay nghề, sức khỏe của người thao tác, phát sinh nhiều hàng lỗi. Cảm thông với nỗi vất vả 12 giờ làm việc liên tục của công nhân, anh Hưởng đã nghiên cứu, quyết tâm chế tạo dây chuyền tự động để giải phóng sức người. Tuy học chuyên ngành điện, điện tử, có kinh nghiệm trong lập trình PLC và thiết kế công cụ, dụng cụ sản xuất nhưng anh Hưởng vẫn gặp khó khăn. Việc thiết kế máy, thiết bị cần phải sử dụng kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện, thủy lực, khí nén, điều khiển… Trong khi đó, anh không có sản phẩm mẫu để tham khảo. Hơn nữa, board mạch có rất nhiều loại và dễ hỏng. Ròng rã 3 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, anh mới hoàn thành dây chuyền tự động, với ưu điểm tăng năng suất, giảm hàng lỗi, tự động hóa sản xuất cao, công nhân được nghỉ ngơi. Vị lãnh đạo Công ty người Nhật Bản rất ngạc nhiên, khâm phục sáng kiến của anh vì chi phí rất thấp nhưng hiệu quả cao, lại đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, bảo đảm chất lượng và an toàn. Sáng kiến này đã làm lợi cho Công ty gần 1,7 tỷ đồng/năm.

Ngay từ khi vào làm việc tại Công ty, anh Lương Quốc Hưởng đã có nhiều cải tiến trong các lĩnh vực, nhất là gá Jig và công cụ, dụng cụ phục vụ cho quá trình sản xuất. Vì thế mà anh được lãnh đạo Công ty trân trọng gọi là Mr Jig. Tuy vậy, không hài lòng với kết quả đã có, anh Hưởng vẫn tiếp tục phấn đấu, học hỏi nhiều hơn để có nhiều cải tiến nhằm loại bỏ sự lãng phí, hỗ trợ sức lao động, ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Hiện anh đang ấp ủ dự định chế tạo nhiều thiết bị công cụ hữu ích cho người lao động như dụng cụ nhấc bo mạch cùng lúc nhiều sản phẩm, thiết bị lấy sản phẩm tự động, máy cắt board, bộ đóng dấu cùng lúc nhiều sản phẩm…

Luôn nỗ lực sáng tạo phục vụ người lao động, kỹ sư Lương Quốc Hưởng rất xứng đáng với chứng nhận "Sáng kiến sáng tạo" năm 2014 của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ sư đam mê sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.