Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống sinh động trong công tác cán bộ

Quốc Bình| 18/04/2017 06:39

(HNM) - Luân chuyển là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, trưởng thành nhanh hơn...


Thực tế công tác luân chuyển cán bộ cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, các ngành. Ảnh: Nhật Nam


Luân chuyển gần 19.000 lượt cán bộ

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong giai đoạn 2011-2016, các cấp ủy, tổ chức đảng đã luân chuyển 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó, luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đã thực hiện được 3.121 lượt cán bộ. Tại Hà Nội, Thành ủy đã luân chuyển 148 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện rộng khắp ở các cấp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại hội nghị về công tác luân chuyển cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức mới đây, các ý kiến thống nhất đánh giá, công tác luân chuyển là nhu cầu thiết thực của các cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các kết luận, hướng dẫn của Trung ương là đúng đắn, kịp thời, phù hợp thực tiễn. Công tác luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011-2016 đã góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ các cấp, đồng thời tạo sức sống sinh động trong công tác cán bộ.

Đại biểu của TP Hà Nội và các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu… có chung đánh giá, thông qua công tác luân chuyển cán bộ, tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong đội ngũ cán bộ đã được khắc phục đáng kể. Việc tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh, huyện để luân chuyển, đào tạo cán bộ kết hợp tăng cường cán bộ ở một số địa phương còn khó khăn là chủ trương đúng, có tác dụng thiết thực. Ngoài ra, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ. Các quy định, quy chế làm việc liên quan đến chức danh luân chuyển, chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển còn thiếu đồng bộ...

Làm tốt đánh giá - luân chuyển hiệu quả

Bàn giải pháp thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trong giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo tỉnh, thành ủy, đại diện Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, luân chuyển cán bộ cần phải có kế hoạch, không làm theo phong trào. Trong thực hiện, phải có sự thống nhất về tư tưởng và hành động mới có thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của cán bộ luân chuyển. Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, cần thực hiện đồng thời cả quy hoạch, luân chuyển và đào tạo cán bộ; trong đào tạo cán bộ cần ưu tiên các kỹ năng xử lý tình huống. Còn theo đại diện Tỉnh ủy Bắc Kạn, Trung ương và các cấp ủy cần tạo được “ngân hàng” cán bộ để chủ động trong công tác luân chuyển; xác định rõ “nơi đi”, “nơi về” để cán bộ luân chuyển yên tâm phấn đấu.

Một số ý kiến khác đề nghị, phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, tránh hiện tượng khép kín, cục bộ, mất đoàn kết, “lợi ích nhóm”... Thông qua việc luân chuyển, cần bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để thử thách, rèn luyện, qua đó phát hiện người tài nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ nguồn các cấp, cán bộ cấp chiến lược, nhất là các vị trí đứng đầu. Thời gian luân chuyển cán bộ nên từ 3-5 năm. Thời điểm thực hiện nên là năm thứ hai sau đại hội. Luân chuyển cán bộ để đào tạo thì nên thực hiện thường xuyên, còn luân chuyển cán bộ để bố trí lên vị trí cao hơn thì nên tiến hành theo đợt.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác luân chuyển cán bộ thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần đổi mới về tư duy, cách làm, đánh giá cán bộ. Vấn đề quan trọng nhất là xây dựng được các quy định, quy chế cũng như cơ chế chính sách về luân chuyển cán bộ, trách nhiệm cơ quan đi, cơ quan đến và chế độ chính sách, kể cả vấn đề ăn, ở cho cán bộ luân chuyển. Trước mắt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; xác định rõ luân chuyển cán bộ là để học tập, hoàn thiện các kỹ năng, kinh nghiệm công tác. Luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên quan tâm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo từng khâu; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh, công khai đối với vi phạm. Cán bộ luân chuyển phải có báo cáo kiểm điểm công tác định kỳ để cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực, uy tín trong thời gian luân chuyển.

Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011-2016, căn cứ vào đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương, tới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xem xét, quyết định một số chủ trương, giải pháp mới nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống sinh động trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.