Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm đẩy lùi tham nhũng

Quốc Bình| 27/06/2017 07:07

(HNM) - Hà Nội thể hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng với những nội dung trọng tâm được xác định trong Kế hoạch số 43-KH/TU vừa được Thành ủy ban hành.

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND huyện Đan Phượng hướng dẫn người dân kê khai, làm thủ tục hành chính. Ảnh: Bá Hoạt


Không có vùng cấm, vùng trống

“Kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong 5 năm tới là kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” - là mục tiêu của Kế hoạch 43-KH/TU. Để thực hiện, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 3 quan điểm chỉ đạo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xác định phòng ngừa là chính, cơ bản và lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, với phương châm “chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh”.

Không chỉ xử lý kịp thời người có hành vi tham nhũng, Thành ủy khẳng định không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Thành ủy sẽ chỉ đạo kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Cùng với đó có 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, trong đó tập trung: Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; quản lý giám sát cán bộ, đảng viên; công tác tổ chức cán bộ; hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm công khai minh bạch; tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…

Thành phố sẽ lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ đảng viên hằng năm; có chế tài xử lý người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị quy định một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu gương mẫu trong thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phương châm: “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Chủ động triển khai bằng việc làm cụ thể

Kế hoạch 43-KH/TU thể hiện quyết tâm chính trị của Thành ủy Hà Nội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện kế hoạch sẽ bổ sung, củng cố các giải pháp thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020”.

Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch 43-KH/TU, các cơ quan được giao nhiệm vụ đã bắt tay vào thực hiện. Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã giao giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch. UBND thành phố chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài là đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”.

Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch khảo sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; thực trạng và giải pháp nhằm đánh giá đúng thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Việc khảo sát sẽ được tiến hành từ cuối tháng 6 đến hết 15-7-2017 với nội dung khảo sát trong 5 năm (2012 - 2017). Các đoàn khảo sát sẽ làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Cục Hải quan, các quận, huyện như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Ba Vì và Quốc Oai.

Nội dung khảo sát là công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí; việc phát hiện tham nhũng, lãng phí thông qua công tác kiểm tra của các cấp ủy đảng; phát hiện tham nhũng thông qua các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; tham gia phòng chống tham nhũng; thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử những vụ án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng và những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...

Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, chuyên đề phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị để lãnh đạo tổ chức thực hiện Kết luận 10-KL/TƯ của Bộ Chính trị và Kế hoạch 43-KH/TU của Thành ủy Hà Nội. Trong đó, Đảng ủy khối Các cơ quan TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công.

Đảng ủy khối đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đối với 20/68 cấp ủy tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, tập trung kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”; việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 30-CT/TƯ về “Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”...

Với những giải pháp toàn diện, bước đi cụ thể, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Kế hoạch 43-KH/TU của Thành ủy Hà Nội được kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa quyết tâm đẩy lùi tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đẩy lùi tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.