Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hình thành nếp ứng xử văn hóa

Hương Ly| 29/06/2017 07:07

(HNM) - Hành hung người nước ngoài ở nơi công cộng, tiểu thương bị đổ chất thải vào hàng hóa; nữ công nhân môi trường bị hành hung phải nhập viện... Những sự việc đáng tiếc này cho thấy văn hóa ứng xử nơi công cộng đang có vấn đề.


Tinh thần nhiệt tình, chu đáo khi tiếp xúc với người dân đang dần lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam


Từ những câu chuyện không vui

Trung tuần tháng 5 vừa qua, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh chị Đỗ Thị Xuyến (xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) ngồi thất thần trước quầy thịt lợn của gia đình bị đổ chất thải khiến cộng đồng không khỏi xót xa, phẫn nộ. Nguyên nhân là do chị Xuyến bán rẻ hơn các tiểu thương khác. "Tác giả" của hành vi đáng lên án này (để dằn mặt chị Xuyến) là Nguyễn Thị Hoa, con gái của một tiểu thương cùng bà giúp việc.

Vụ việc đáng tiếc ở Hải Phòng chưa kịp lắng xuống thì trung tuần tháng 6 vừa qua, chị Trần Thị Thanh, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO 2) chỉ vì nhắc nhở các hộ kinh doanh đổ rác đúng nơi quy định đã bị vợ chồng Phạm Thị Bích Diệp, Nguyễn Đức Cường hành hung đến ngất xỉu. Hoặc những ngày gần đây, Facebook "dậy sóng" trước cảnh hai thanh niên hành hung một nam công dân Mỹ và người phụ nữ quốc tịch Việt Nam sau va quệt giao thông, xảy ra trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) ngày 23-6. Sự việc nghiêm trọng đến mức Công an quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra...

Những ví dụ trên cùng nhiều câu chuyện khác diễn ra hằng ngày cho thấy, văn hóa ứng xử nơi công cộng cần được hết sức quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, quá trình đổi mới, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực cũng tạo ra những tác động tiêu cực. Trong đó, văn hóa ứng xử là một trong những vấn đề cấp thiết được đặt ra. Lối nói xô bồ, thiếu văn hóa; văn hóa phục vụ khách hàng thiếu chuẩn mực; nếp sống văn minh đô thị không được chú trọng; thái độ cửa quyền của một bộ phận công chức, viên chức… vẫn tồn tại làm giảm lòng tin của nhân dân, giảm hiệu quả công việc, gây dư luận không tốt.

Học và làm theo Bác về cách ứng xử

Để hình thành nếp ứng xử văn hóa nơi công cộng, nhiều ý kiến cho rằng, cần tuyên truyền, giáo dục kết hợp với xử lý, đặc biệt là đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05-CT/TƯ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” xác định rõ, việc thực hiện Chỉ thị phải gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc học và làm theo Bác phải trở thành công việc thường xuyên, thực hiện trong mọi nhiệm vụ chính trị cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp giáo dục bằng ngôn ngữ với thực hành bằng công việc thực tế hằng ngày và bằng sự nêu gương. Những câu chuyện về phong cách ứng xử giản dị, khiêm tốn của Người trong đời thường luôn là những bài học quý giá để mỗi người làm theo. Đơn cử như, Cách mạng Tháng Tám thành công, trước nạn đói - một trong 3 thứ giặc đang hoành hành, Bác Hồ vừa kêu gọi đồng bào, cán bộ tăng gia sản xuất, vừa phát động phong trào nhường cơm sẻ áo, 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu giúp người đói và chính Người đã gương mẫu nghiêm túc thực hiện.

Hưởng ứng phong trào đóng góp vào Quỹ mùa Đông binh sĩ, Bác đã gửi tới cụ Võ Liêm Sơn những dòng mộc mạc, chân tình: “Thưa cụ, Ủy ban Trung ương mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1.000 đồng, nhờ cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành”.

Cụ thể hóa Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Đảng bộ TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch với nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến cho biết, để xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, UBND thành phố đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực triển khai. Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố đang được triển khai rộng rãi tại các cơ quan, công sở và được coi là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội cũng từng bước được triển khai trong các tầng lớp nhân dân.

Để ngày càng bớt đi những hình ảnh xấu, phản cảm như những câu chuyện nêu trên; ngày càng nhân lên những hành động đẹp trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị..., đòi hỏi các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, mỗi cá nhân dù cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hay người dân cũng cần xác định, việc học và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên để hoàn thiện bản thân, xứng đáng với nếp sống, nếp ứng xử văn minh, thanh lịch của người Hà Nội đã được cha ông gây dựng và để lại tiếng thơm muôn đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hình thành nếp ứng xử văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.