Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác nguồn lực hợp tác

Quốc Bình| 12/06/2018 07:19

(HNM) - Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước, những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đi sâu hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP Hà Nội chứng kiến lễ ký kết tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Viết Thành


Tạo chiều sâu hợp tác

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố đều có chung nhiệm vụ là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Việc tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành phố với nhau vừa là trách nhiệm, vừa là giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ này.

Với quan điểm như vậy, Hà Nội đã chủ động tổ chức các đoàn đi thăm, làm việc với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác. Đến nay, tiếp nối kết quả từ nhiệm kỳ trước, thành phố đã có trao đổi, ký kết biên bản xác định nội dung, phương thức hợp tác với hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không chỉ tiến hành các cuộc làm việc song phương, Hà Nội có sáng kiến xây dựng mối quan hệ hợp tác sâu theo ngành, lĩnh vực với nhiều tỉnh, thành phố. Tiêu biểu như phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho TP Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2017. Nhờ vậy, Hà Nội đã xây dựng, duy trì được trên 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng khoảng 400 chuỗi tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017” với sự tham gia của lãnh đạo 49 địa phương trên cả nước. Đã có đến 400 biên bản hợp tác được các doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương ký kết với khả năng tiêu thụ trên 25.000 tỷ đồng hàng hóa. Trước đó, thành phố cũng đã ký kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Ngành Du lịch Hà Nội ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh...

Trong các buổi làm việc khi đoàn công tác của thành phố đến các địa phương bạn hoặc khi đoàn công tác của các tỉnh, thành phố về Thủ đô, Hà Nội không chỉ tập trung vào khía cạnh hợp tác cùng phát triển, mà còn lan tỏa tình cảm, trách nhiệm với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Đó cũng chính là lý do để Tết Nguyên đán năm 2016, Hà Nội đã không tổ chức bắn pháo hoa để dành 12 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Có thể nói, hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Mở rộng quy mô, nhân lên hiệu quả

Không dừng lại trong hợp tác về kinh tế - xã hội, từ đầu nhiệm kỳ XVI đến nay, TP Hà Nội đã thúc đẩy hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước về lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Tôi đề nghị thêm vào Chương trình hợp tác lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Vì mỗi địa phương đều có đặc thù, tính đa dạng riêng. Chúng ta hoàn toàn có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đề nghị các ban Đảng hai địa phương tăng cường gặp gỡ, trao đổi học hỏi lẫn nhau.

Trong những biên bản ký kết hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hầu hết đều bao gồm yêu cầu tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ, cải cách hành chính; coi đây là một trong những nội dung trọng điểm hợp tác.

Với kinh nghiệm đổi mới về công tác cán bộ nhất là khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ, gần đây là thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Hà Nội đã tiếp đón, chia sẻ với hàng chục đoàn công tác các tỉnh, thành phố đến học hỏi. Ngược lại, các đoàn công tác thành phố cũng đã đến nhiều tỉnh, thành phố để học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, giải pháp tăng thu nhập chính đáng cho cán bộ từ nguồn tiết kiệm chi...

Có thể nói, cùng với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước là “nguồn lực” quan trọng phục vụ phát triển. Tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” sắp được thành phố tổ chức, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương cũng là một nội dung trọng tâm. Hà Nội mời lãnh đạo các thành phố lớn: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và 14 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô cùng tham gia. Đây sẽ là dịp tăng cường hợp tác nhằm khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thủ đô Hà Nội và các địa phương bạn cùng chung mục tiêu tăng tốc phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác nguồn lực hợp tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.