Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ doanh nhân trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức đi kèm lợi thế

Dương Linh| 20/10/2018 06:43

(HNM) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nhiều giai tầng, trong đó có phụ nữ nước ta.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân xuất sắc của khu vực châu Á.


Những thách thức đặt ra

Theo Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, qua hơn 30 năm đổi mới, phụ nữ đã tham gia lãnh đạo, làm chủ tại hơn 30% tổng số các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất. Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay sẽ tác động toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Chia sẻ về những khó khăn đang đặt ra, chị Nguyễn Thị Xuân Nga, chủ cơ sở sản xuất búp bê Hà Thủy (quận Bắc Từ Liêm), một trong những phụ nữ khởi nghiệp thành công với sản phẩm búp bê mang bản sắc 54 dân tộc Việt cho biết: Nhiều phụ nữ có ý tưởng kinh doanh hay, nhưng không có nền tảng về khoa học, kỹ thuật; sản phẩm không có thương hiệu; vốn, kinh nghiệm chưa nhiều; thiếu các kỹ năng mềm... Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Nhung (huyện Sóc Sơn), chủ một cơ sở may mặc với hơn 30 công nhân tỏ ra băn khoăn khi tương lai, không ít công đoạn trong ngành có lực lượng lao động nữ tham gia nhiều như dệt may, giày da, sản xuất nông nghiệp, y tế, dịch vụ… có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa, dẫn đến chị em mất việc làm.

Theo Thạc sĩ Cao Thị Hoa, giảng viên Đại học An Giang, thời gian qua có rất nhiều phụ nữ tham gia khởi nghiệp và gặt hái thành công. Trong khởi nghiệp, nữ giới thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Dù pháp luật đã quy định về quyền bình đẳng giới, nhưng người phụ nữ luôn bị áp lực về định kiến xã hội đã ràng buộc họ vào khuôn khổ cuộc sống gia đình. Phụ nữ phải làm việc với 200% công suất so với nam giới khi vừa phải lo kiếm thu nhập, vừa phải chăm sóc gia đình. Nếu khởi nghiệp thất bại, thay vì được chia sẻ thì nhiều phụ nữ lại bị chế giễu khiến chị em thiếu tự tin trong khởi nghiệp. Ngoài ra, cơ chế riêng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng chưa nhiều và không dễ dàng tiếp cận.

Chủ động ứng phó với các tác động

Bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc tính chất công việc của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nhân khởi nghiệp nói chung, doanh nhân nữ nói riêng đều phải có trình độ cao, đầu óc sáng tạo và linh hoạt. Không chỉ vậy, cuộc cách mạng này sẽ làm xuất hiện thêm những ngành nghề mới mà máy móc không thực hiện được, phải dựa vào những đặc điểm riêng của con người và có thể phát huy lợi thế của lao động nữ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa còn là cơ hội ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh mới, tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp.

Tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới. Đây là cơ hội cho cả phụ nữ, bởi vậy, thay vì lo lắng, lao động nữ cần mạnh dạn thay đổi, chủ động nắm bắt cơ hội.

Tuy nhiên, để lao động nữ có thể tiếp cận với những cơ hội mới, theo Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ cần hội tụ 7 nhân tố để khởi nghiệp thành công, gồm: Mở rộng các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ gia đình, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, động lực thúc đẩy khởi nghiệp, niềm tin và dám mạo hiểm, đổi mới sáng tạo, có kiến thức về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các doanh nhân nữ cần thấy rõ những hạn chế về giới tính để lựa chọn hình thức kinh doanh và sản phẩm cho phù hợp với sở trường, có niềm tin vào bản thân và dám mạo hiểm.

Để giúp phụ nữ khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” với những mục tiêu như: 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; 20.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...

Cụ thể hóa quyết định nêu trên, UBND TP Hà nội đã ban hành Quyết định 1901/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoan 2018-2025”, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chủ trì thực hiện đề án. Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ về vốn, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, kết nối kinh doanh… gắn với đẩy mạnh ứng dụng internet, mạng xã hội, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa cho biết: “Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoan 2018-2025”, từ đầu năm đến nay, Hội đã triển khai các giải pháp hỗ trợ 210 cán bộ, hội viên, phụ nữ khởi sự kinh doanh; duy trì hoạt động của mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đã có, ra mắt thêm 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 3 nhóm liên kết do phụ nữ quản lý, hỗ trợ chị em giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm…”.

Ngoài sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ nói chung, doanh nhân nữ nói riêng cũng rất cần nhận được sự chia sẻ từ gia đình, sự tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của họ từ cộng đồng. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp chị em mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống và trên thương trường. Dám thử nghiệm, dám đột phá và chấp nhận rủi ro, đặc biệt cân bằng giữa công việc gia đình và công việc kinh doanh, phụ nữ chắc chắn sẽ nắm bắt được cơ hội và thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nữ doanh nhân trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức đi kèm lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.