Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem xét việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town

Kim Thanh| 15/10/2013 15:57

Sáng 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động, Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town)

UBTVQH họp phiên thứ 22. (Ảnh: TTXVN)


Tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành nghiên cứu và đề xuất việc Việt Nam gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (sau đây gọi là Công ước và Nghị định thư Cape Town).

Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/11/2001. Mục tiêu cơ bản của Công ước và Nghị định thư Cape Town là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển bởi việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay mà trước đây không dễ dàng tiếp cận với chi phí cao. Công ước và Nghị định thư đã xác lập một cơ chế pháp luật vững chắc thống nhất ở phạm vi quốc tế để bảo vệ các lợi ích được bảo đảm, bảo lưu quyền sở hữu và quyền lợi của người cho thuê; khuyến khích việc cấp tín dụng, cho thuê và giảm các chi phí liên quan. Công ước và Nghị định thư bảo đảm tốt hơn cho chủ nợ, người cho thuê khi làm giảm rủi ro của việc mất tài sản, tăng mức độ tín nhiệm đối với các khoản vay, thuê dẫn đến khả năng cho phép các tổ chức xuất khẩu tín dụng giảm chi phí đánh vào vốn vay thông qua cơ chế đăng ký quyền lợi quốc tế và các chế tài áp dụng thống nhất đối với thân tàu bay, động cơ tàu bay và trực thăng được hình thành trên cơ sở vay tín dụng để thuê, mua.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm, ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Tại Việt Nam hiện nay, các khoản vay nợ dài hạn chủ yếu là để tài trợ cho các dự án đầu tư mua máy bay (tính cả các khoản vay để thực hiện nghiệp vụ đặt cọc, trả trước tiền mua máy bay). Nguồn vốn đầu tư bảo đảm cho đội máy bay được đa dạng hoá từ nhiều nguồn, trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 90%. Trong những năm qua, theo tính toán của các hãng hàng không Việt Nam, giải pháp huy động vốn vay tín dụng xuất khẩu với sự bảo lãnh của Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (US-EXIM) và các Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu (European-ECAs) kết hợp vay thương mại là giải pháp huy động vốn hiệu quả nhất. Như vậy, nếu Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town theo Chính sách xuất khẩu tín dụng US-EXIM và European-ECAs thì lợi ích thu được đối các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2016 vào khoảng 60 triệu USD từ mức phí ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc quốc gia thành viên Công ước và Nghị định thư Cape Town.

“Với những lý do đã phân tích ở trên, việc Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là hết sức cần thiết” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Nhiều băn khoăn, lo lắng

Tuy nhiên, nhiều ý kiến các thành viên UBTVQH phát biểu tại phiên họp đều nhấn mạnh cần phải cân nhắc thận trọng, làm rõ những ràng buộc khi tham gia Công ước và Nghị định thư này.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại cho hay, Ủy ban này tán thành với các ý kiến nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Hằng đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc thực thi Công ước. Cụ thể, khả năng thực hiện tiết kiệm được trong việc mua sắm máy bay khi kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước; đồng thời hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) còn phải thỏa mãn các yêu cầu theo Hướng dẫn về tín dụng xuất khẩu cho tàu bay dân dụng (OECD).

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, số lượng nước tham gia Công ước không nhiều, đến nay mới có 62 nước. Bà cũng cho rằng cần có thêm ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời Chính phủ đề nghị phân tích thêm một số thuận lợi, ràng buộc khi tham gia Công ước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Nếu áp dụng ngay Công ước thì có khả năng máy bay của chúng ta có thể bắt để cấn nợ không? Liệu đã lường hết các tác hại, điểm hở, điểm yếu trong pháp luật chưa?

Nghiên cứu kỹ tài liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cần cung cấp thông tin đầy đủ và thuyết phục hơn, như thực trạng huy động nguồn tín dụng trong những năm gần đây, khả năng huy động vốn hiện tại và trong tương lai cho ngành hàng không; tình hình bảo lãnh của Chính phủ trong những khoản vay và tính đến nguy cơ Chính phủ trở thành con nợ khi doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, thua lỗ. Sự tương thích của Công ước và Nghị định với luật hiện hành của nước ta còn có điểm khác biệt.

Theo ông, “đây là những văn bản pháp lý hết sức phức tạp do đó cần nghiên cứu kỹ điều kiện của nước ta và cân nhắc khả năng gia nhập vào thời điểm hiện nay”.

Bày tỏ quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, riêng về lĩnh vực kinh tế thì mặt được là sẽ tiếp cận vốn nhanh hơn và được ưu đãi. Song ông lo lắng nếu doanh nghiệp thua lỗ, không trả nợ đúng hạn sẽ bị xử lý nhanh gọn (trong vòng 60 ngày), buộc giao máy bay cho chủ nợ, điều này ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sản xuất cũng như liên quan phần vốn đối ứng.

Trước những băn khoăn của các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay đã lường trước những khó khăn khi gia nhập Công ước và Nghị định thư. Tuy vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích: Từ khi Công ước và Nghị định thư có hiệu lực (năm 2006) đến nay, chưa có vụ việc nào liên quan đến việc áp dụng các chế tài quy định tại Công ước và Nghị định thư đã được ghi nhận.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi gia nhập Công ước và Nghị định thư, có thể xảy ra khả năng gia tăng khối lượng công việc cho tòa án do chủ nợ yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi các con nợ tại Việt Nam vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, thực tiễn sau hơn 7 năm có hiệu lực, cũng chưa có yêu cầu của chủ nợ đề nghị Toà án thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của Công ước được ghi nhận. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy các bên trong giao dịch rất ít khi chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án Việt Nam nên khả năng áp dụng công ước trong giải quyết tranh chấp là rất thấp và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xét xử của Toà án Việt Nam.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về việc ý Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người./

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.