Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các đại biểu trình bày quan điểm về các vấn đề quốc tế lớn

Theo TTXVN| 28/09/2014 16:39

Ngày 27/9, trong ngày thứ tư của phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 69, lãnh đạo chính phủ, bộ trưởng các nước đã có bài phát biểu về tình hình quốc gia, đồng thời bày tỏ quan điểm về các vấn đề quốc tế lớn.


Tổng thống chính phủ chuyển tiếp của Cộng hòa Trung Phi Catherine Samba Panza (Ca-tơ-rin Xam-ba Pan-da) bày tỏ hy vọng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc gia này khôi phục an ninh và thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Trung Phi vừa kết thúc cuộc nội chiến giữa liên minh các nhóm vũ trang Hồi giáo và lực lượng nổi dậy Cơ đốc giáo khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng. Tổng thống CH Trung Phi nhấn mạnh sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/7, bây giờ là thời điểm để các bên hợp tác để cùng xây dựng đất nước.

Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 69 ĐHĐ LHQ (Nguồn: baotintuc.vn)


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-rên-đra Mô-đi) đề cập đến tiến trình đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ với Pakistan và nhấn mạnh cần phải tạo bầu không khí thích hợp cho tiến trình đối thoại này. Trước đó, hồi tháng Tám, Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán cấp ngoại trưởng để phản đối việc Pakistan muốn tham vấn với các tay súng ly khai tại khu vực Kashmir tranh chấp giữa hai nước.

Trong khi đó, về phần mình, tại LHQ, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (Na-oa Sa-ríp) chỉ trích việc Ấn Độ rút khỏi đàm phán là hành động làm "lỡ một cơ hội". Kể từ khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ vào năm 1947, hai nước liên tục xảy ra tranh chấp khu vực Kashmir. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hỗ trợ các tay súng ly khai chống lại các lực lượng an ninh của quốc gia này.

Trong bài phát biểu tại LHQ, Tổng thống Sudan Salva Kiir (Xan-va Ki-a) khẳng định Sudan sẽ tìm mọi cách chấm dứt cuộc xung đột với thủ lĩnh phe đối lập, cựu phó Tổng thống Riek Machar (Ri-ếch Ma-cha), đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc ông Machar ký thỏa thuận giải quyết xung đột một cách hòa bình và toàn diện. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn ký hồi tháng 1/2014, xung đột vẫn nổ ra giữa quân chính phủ với lực lượng đối lập. Tổng thống Salva Kiir tố cáo trong khi chính phủ tuân thủ nghiêm tục các thỏa thuận hòa bình thì phe đối lập liên tục vi phạm.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez (Bru-nô Rô-đri-ghê) lên án việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Cuba như một công cụ chính sách ngoại giao để làm tồn hại nền kinh tế của các quốc gia có chủ quyền. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cho rằng việc Mỹ sử dụng các tòa án để ban hành các án phạt hàng triệu USD là vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa đến sự ổn định các nguồn tài chính. Trong suốt 5 thập kỷ qua, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện chống Cuba khiến nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ căng thẳng, tại diễn đàn LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) đã kêu gọi liên minh do Mỹ đứng đầu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nên hợp tác với Chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga chỉ trích việc Mỹ sử dụng các hành động can thiệp quân sự để bảo vệ các lợi ích của mình trên thế giới. Nga tiếp tục lên án chiến dịch không kích của Mỹ tại Iraq và Syria để tiêu diệt IS là bất hợp pháp và yêu cầu phương Tây phải hợp tác với đương kim Tổng thống Syria Bashar Al-assad (Ba-sa An Át-xát). Đối với vấn đề Ukraine, ông Lavrov tiếp tục khẳng định quan điểm việc Mỹ và Liên minh châu Âu hỗ trợ cho cuộc đảo chính tại Ukraine đã gây ra cuộc xung độ vũ trang tại đất nước này.

Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục là một vấn đề lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng nối lại tiến trình đàm phán này. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên cần được giải quyết bằng một tiến trình đối thoại hiệu quả, bền vững và không thay đổi. Ông Vương Nghị đề nghị tất cả các bên hành động khách quan và công bằng, duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Theo ông, các bên tham gia cần kiềm chế các hành động khiêu khích và nỗ lực hơn để giảm bớt căng thẳng nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng quan ngại về tình hình Ukraine, bày tỏ hy vọng tất cả các sắc tộc cùng hòa hợp, cũng như Ukraine sẽ cùng tồn tại hòa bình với các quốc gia khác. Trung Quốc bày tỏ hy vọng LHQ sẽ thực hiện vai trò của mình trong việc tìm ra một giải pháp phù hợp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và hỗ trợ các nỗ lực xây dựng của cộng đồng quốc tế dành cho miền Đông quốc gia này sau khi bị tàn phá nặng nề do những cuộc đụng độ giữa các phe phái./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các đại biểu trình bày quan điểm về các vấn đề quốc tế lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.