Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21

Theo VOV| 01/12/2015 00:05

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của hội nghị.


Mục tiêu lớn nhất mà hội nghị đặt ra là đạt một thỏa thuận lịch sử để thay thế cho Nghị định thư Kyoto nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất dưới mức 2 độ C. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của hội nghị.

Tham dự hội nghị thượng đỉnh 1.300 đại biểu, trong đó có 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, đại diện cho 196 thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Mục tiêu lớn nhất của hội nghị là thông qua một thỏa ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về khí hậu và có thể áp dụng được cho tất cả các nước với mục tiêu cụ thể là duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C hoặc thậm chí là 1.5 độ C vào năm 2030 và đạt được các cam kết về nguồn vốn tài chính dành cho biến đổi khí hậu và đầu tư cho nền kinh tế "khí thải cacbon thấp" thông qua việc huy động 100 tỷ usd mỗi năm từ năm 2020.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Mở đầu hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân các vụ khủng bố tại Paris tối 13/11 và các vụ khủng bố mới đây tại nhiều nơi trên thế giới và tuyên bố các nhà lãnh đạo thế giới dành một phút tưởng niệm các nạn nhân khủng bố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có quyết tâm để đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm chung tay đối phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Hôm nay là một ngày lịch sử khi nước Pháp đón 150 nguyên thủ quốc gia người đứng đầu chính phủ. Chưa khi nào cơ hội lớn như hôm nay nhưng cũng chưa bao giờ chúng ta phải đứng trước những thách thức lớn thế này. Nước Pháp bày tỏ cảm ơn đến các nước trên thế giới sát cánh cùng nước Pháp trong thảm kịch khủng bố vừa qua.

Tôi muốn nói đến hai thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là khủng bố và thảm họa do biến đổi khí hậu. Chúng ta phải để cho thế hệ con cháu một thế giới không phải lo sợ khủng bố đồng thời có một môi trường sống bền vững. Năm chúng ta đang sống ghi nhận nhiều kỷ lục, mức nóng lên của thế giới, kỷ lục về các thảm họa thiên tai... Chúng ta phải hành động nhân danh công lý về khí hậu."

Tổng thống Pháp cũng khẳng định nước Pháp đã làm hết sức mình để có một COP21 thành công và kêu gọi hãy coi thế giới là một tổng thể và cần có những hành động vì một thế giới chung, để cân bằng quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhấn mạnh: Có 3 điều kiện để COP 21 thành công hay thất bại.

Trước tiên, cần phải vạch ra một lộ trình đáng tin cậy để việc trái đất nóng lên không vượt quá 2 độ C cho đến cuối thế kỷ này, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thậm chí là phải đặt ra mục tiêu 1,5 độ C. Cần phải đặt ra một cơ chế giám sát và họp kiểm định 5 năm một lần.

Điều kiện thứ hai là phải đối phó với thách thức biến đổi khí hậu một cách đoàn kết. Không một nước nào được phép từ bỏ các cam kết của mình, dù chúng ta sẽ phải đưa ra một cơ chế tính toán kỹ đến sự khác biệt.

Và thứ ba, thỏa thuận đạt được cần mang tính toàn cầu, có tính khác biệt và tính bắt buộc về pháp lý. Những nước phát triển cần gánh vác trách nhiệm lịch sử của mình. Các nước đang phát triển cần thực hiện việc chuyển đối năng lượng nhưng họ cũng cần được hỗ trợ song hành. Đó chính là vấn đề tài chính để trợ giúp cho các nước này.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhấn mạnh nhiệm vụ của hội nghị lần này là phác thảo một thỏa thuận cho tương lai. Tổng thư ký LHQ kêu gọi phải hành động nhanh hơn và mạnh hơn nếu muốn đạt được mục tiêu đã đặt ra là ngăn chặn sự nóng lên của trái đất dưới 2 độ C.

Trong hai tuần diễn ra hội nghị COP 21, một loạt các hoạt động chính thức và bên lề, đa phương và song phương sẽ diễn ra tại trung tâm hội nghị Bourget - nơi tạm thời trở thành một phần lãnh thổ của LHQ trong hai tuần này.

Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015 với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.

Nếu Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.

Nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải thì nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ làm thảm họa đối với nhân loại, nhất là mức nước biển có thể dâng cao đến 2 m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên trái đất, trong đó Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Theo chương trình hội nghị COP 21, cùng với các bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng các nước như Anh, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản… vào đêm nay theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP 21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Trước khi tham dự hội nghị COP 21, Việt Nam là một trong 150 nước đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ cùng Thủ tướng Hà Lan và Chủ tịch Ngân hàng thế giới đồng chủ trì cuộc Đối thoại cấp cao với chủ đề "Việt Nam cùng các đối tác quốc tế ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long".

Ngay buổi sáng trước khi hội nghị khai mạc, World Bank, cùng các đối tác như Đức, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh thông báo sáng kiến 500 triệu USD nhằm trợ giúp các nước đang phát triển chuyển đổi các hạ tầng sản xuất gây ô nhiễm carbon sang các giải pháp thân thiện hơn với môi trường. Sáng kiến này sẽ chính thức đi vào thực thi năm 2016, với mức đóng góp đầu tiên là 250 triệu USD từ các nước đã cam kết trên. Tiếp đó, World Bank và các đối tác của mình sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp để đạt mục tiêu 500 triệu USD. Sự hỗ trợ tài chính từ sáng kiến này sẽ được thực hiện song hành với các chương trình cho vay chính sách trị giá 2 tỷ USD mà World Bank đã thông báo trước đó.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh COP 21, Diễn đàn các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu (CVF) sẽ ra tuyên bố chung Manila-Paris. Tuyên bố này tổng hợp những kiến nghị và cam kết đóng góp của 43 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu đối với nỗ lực đạt được một thỏa thuận toàn cầu lịch sử tại COP 21. Đi cùng với tuyên bố Manila-Paris sẽ là lộ trình về các ưu tiên mà các quốc gia này sẽ thực hiện, chủ yếu trong lĩnh vực chống sự nóng lên của trái đất.

CVF hiện có 20 thành viên, trong đó có Việt Nam. Cũng trong ngày khai mạc, GEF (Quỹ hỗ trợ môi trường toàn cầu) tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính 250 triệu USD cho Quỹ các nước kém phát triển nhất (LDCF). Số tiền này đến từ đóng góp của 11 nước tài trợ là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.