Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Phương Quỳnh| 16/01/2017 06:13

(HNM) - Hôm nay (16-1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 16 và 17-1 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Các hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Từ đầu năm 2016 đến nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã có 4 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam (với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) bên lề các hội nghị quốc tế.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục bước thêm những bước tiến mới.


Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục khẳng định chính sách của Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài ở Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức (ODA), nông nghiệp, nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu... Hai bên cũng phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 3-2017.

Có thể nói, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Điều này thể hiện ở việc hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại như Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt - Nhật về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp Thứ trưởng từ năm 2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ năm 2013. Việt Nam và Nhật Bản ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2017.

Trong hợp tác kinh tế, thương mại, Việt Nam và Nhật Bản đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999 và ký Hiệp định đối tác kinh tế vào tháng 10-2009, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước. Tính đến tháng 11-2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 26,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,21 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015), nhập khẩu đạt 13,6 tỷ USD (tăng 3,3%). Về đầu tư, tính đến tháng 11-2016, Nhật Bản có 3.242 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,016 tỷ USD và 296 dự án cấp mới, 195 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,95 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc.

Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015, Nhật Bản đã viện trợ khoảng 29,5 tỷ USD cho Việt Nam. Riêng trong năm tài khóa 2015, Nhật Bản cam kết vốn vay ODA cho Việt Nam với hơn 310,08 tỷ yên (khoảng 2,5 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA của Việt Nam (không kể các khoản vay chương trình hỗ trợ ngân sách) đạt 22%, tương đương 147 tỷ yên, đứng thứ hai (sau Ấn Độ) trong số các nước sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản.

Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điển hình gần đây có ba dự án hạ tầng lớn ở Thủ đô Hà Nội gồm cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với Sân bay quốc tế Nội Bài, Nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đều được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Ba công trình này được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2015, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của Thủ đô và cả nước. Ngoài ra, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp trong khuôn khổ Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Với những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ Đối tác đặc biệt, sâu rộng, hiệu quả giữa hai nước, mở ra một trang mới đầy triển vọng về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.