Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm vóc, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Nguyễn Việt Cường| 28/01/2017 07:58

(HNM) - Năm 2016 với nhiều hoạt động đối ngoại sôi động trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục đưa nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đã góp phần quan trọng vào thành tựu đối ngoại của đất nước năm 2016.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounhang Volachith thăm Trường Đại học Quốc gia Lào.

Năm 2016, bên cạnh xu thế hợp tác, phát triển, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đa chiều đến nước ta, với cả thời cơ và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã xác định và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển với chính sách ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Đẩy mạnh hợp tác song phương

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Lào.


Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Trong 5 ngày (từ 12 đến 16-6) thăm Lào và Campuchia, Chủ tịch nước đã có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với lãnh đạo hai nước và nhiều hoạt động khác trải kín lịch trình.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith; hội kiến Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào; hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni; gặp gỡ Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội và thăm các đại tăng thống Campuchia… Trong tất cả các cuộc gặp, lãnh đạo 3 nước đều khẳng định tình cảm hữu nghị, thủy chung, son sắt, trước sau như một, coi trọng hợp tác toàn diện vì sự phát triển của mỗi nước vì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Những kết quả đạt được trong chuyến thăm có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo cơ sở vững chắc để duy trì, phát triển, đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Lào và Campuchia lên một tầm cao mới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến lãnh tụ Cuba Fidel Castro.


Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, chuyến thăm Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định quyết tâm cao của Ban lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; khẳng định mong muốn của lãnh đạo Việt Nam và Campuchia trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết: “Chuyến thăm đã đạt được kết quả quan trọng, khẳng định đường lối đối ngoại của nước ta coi hai nước bạn Lào và Campuchia là quan trọng hàng đầu.

Qua các cuộc trao đổi với lãnh đạo hai nước đã đạt được những chủ trương, đường lối lớn nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ta với Lào và Campuchia phát triển hơn nữa. Về phần mình, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất mang tính truyền thống và đặc biệt, là mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng bằng sự hy sinh xương máu của nhân dân ba nước.

Với phương châm, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, từ ngày 26 đến 30-8-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á là Brunei và Singapore. Chuyến đi này một lần nữa khẳng định chính sách của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và các thành viên ASEAN. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới hai nước, đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh…, góp phần chuyển tải thông điệp và triển khai có hiệu quả đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, qua đó, thúc đẩy hơn nữa quan hệ của Việt Nam với các nước, tăng cường vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao đổi với lãnh đạo hai nước phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới sâu sắc, tin cậy và toàn diện hơn nữa, cả trên bình diện hợp tác song phương và đa phương, vì lợi ích của hai bên, cũng như đoàn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng tại Singapore Lecture lần thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ trì tổ chức. Đây là một diễn đàn rất uy tín để những chính trị gia nổi tiếng thế giới phát biểu về những vấn đề lớn đang được dư luận quốc tế quan tâm. Trước đó, Tổng thống Mỹ George Bush, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… và nhiều chính khách lớn đã đăng đàn tại đây. Với bài phát biểu ngắn gọn và súc tích, Chủ tịch nước đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ của Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sáng kiến phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển bền vững ở khu vực. Nhấn mạnh yêu cầu hợp tác nội khối ASEAN, kết nối kinh tế các nước thành viên, đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Singapore, Chủ tịch nước kêu gọi Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục củng cố đoàn kết nội khối, coi đó là việc làm thiết thực, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong bài phát biểu tại Singapore Lecture lần thứ 38, đánh giá về tình hình khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác hòa bình, ổn định ở khu vực. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”. Thông điệp này của Chủ tịch nước được các học giả và nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia dư luận Singapore cũng như quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao.

Đẩy mạnh hợp tác đa phương và hội nhập toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.


Với phương châm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực đa phương và toàn cầu... Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự tuần lễ cấp cao APEC tại Peru và tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagascar một lần nữa khẳng định điều này.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC, Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đã tham dự các Hội nghị quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC, cuộc họp Cấp cao TPP và Đối thoại Cấp cao với Liên minh Thái Bình Dương. Đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là khách mời danh dự của nước chủ nhà phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Chính điều này thể hiện sự tin cậy và coi trọng của các nền kinh tế thành viên APEC đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống nước chủ nhà Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các Tổng thống Nga, Hoa Kỳ, Chile, Quốc vương Brunei, các Thủ tướng Nhật Bản, Australia, Canada... Chủ tịch nước cũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Peru, tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu khu vực APEC, trong đó có Liên minh Các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Điều toát lên từ các cuộc gặp là lãnh đạo các nước đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với nước ta. Chủ tịch nước đã trao đổi sâu rộng với lãnh đạo các nước về phương hướng, biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và tăng cường hiệu quả phối hợp tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong đó có APEC”.

Bên cạnh đó, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương đã đạt nhiều kết quả cụ thể, thiết thực. Nổi bật là Việt Nam và Peru đã ký kết ba thỏa thuận quan trọng về hợp tác văn hóa, phòng chống ma túy và nghề cá. Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latinh, thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh, trong đó có viễn thông, dầu khí, ngư nghiệp... Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao triển vọng kinh tế và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều tập đoàn lớn khẳng định sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội mới từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của chúng ta, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sắp có hiệu lực mà Việt Nam đã tham gia.

Tại hội nghị Pháp ngữ lần thứ 16, tổ chức tại Madagascar, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn cấp cao nước ta tham dự hội nghị đã thêm một lần nữa khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ cũng là việc làm thiết thực triển khai thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đã đề ra. Cộng đồng Pháp ngữ cũng rất coi trọng vai trò và đóng góp của Việt Nam, do đó đã mời Chủ tịch nước ta là đại diện duy nhất đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phát biểu tại lễ khai mạc.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật thông điệp “thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”, kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn, cùng nhau tham gia xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu; nhấn mạnh việc thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước cũng chia sẻ mô hình thành công của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều nước thành viên Pháp ngữ đang gặp khó khăn, bất ổn và chậm phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Khoan dung Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, bà Sheikha Lubna Al Qasimi tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11. Ảnh: TTXVN


Tại hội nghị, Đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực và thực chất trên tất cả các vấn đề lớn của khối Pháp ngữ; gắn những lợi ích của Việt Nam với quan tâm chung, thúc đẩy thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Những sáng kiến và đóng góp của Đoàn Việt Nam đã thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng Pháp ngữ. Trong trao đổi, tiếp xúc, lãnh đạo các nước đều hoan nghênh bài phát biểu của Chủ tịch nước tại lễ khai mạc, đánh giá cao những đóng góp tích cực, thực chất của Đoàn Việt Nam vào thành công chung của hội nghị.

Những chương trình làm việc tích cực, hiệu quả, hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, trong đó có hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những thành tựu đối ngoại đầy phấn khởi, tự hào trong năm 2016, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại, tiếp tục nâng cao hình ảnh đất nước, con người và tầm vóc, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm vóc, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.