Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các học giả Hoa Kỳ

Theo TTXVN/Vietnam+| 01/06/2017 07:18

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, chiều 31-5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Viện Di sản (Heritage Foundation)...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Tiệc tối do Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ chủ trì. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng và trao đổi với đông đảo chính giới, học giả Hoa Kỳ và Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, về chủ đề “Cơ hội, thách thức đối với hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng vững chắc là tư tưởng nhân văn cao đẹp của tinh thần “độc lập” như thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 2-9-1945.

Về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng khẳng định hai nước chia sẻ những lợi ích chung về an ninh và thịnh vượng tại Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam chủ trương phát triển mối quan hệ toàn diện, lâu dài, tôn trọng độc lập chủ quyền, cùng có lợi với Hoa Kỳ, tích cực góp phần vào hoà bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và trên thế giới.


Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển tích cực ở tất cả các mặt như kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục, du lịch, an ninh quốc phòng với trao đổi thương mại hai chiều năm 2016 là 50 tỷ USD, tăng 100 lần so với năm 1995. Hoa Kỳ là 1 trong 10 nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, và hiện có 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ.

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Chính phủ, các tầng lớp chính khách, học giả Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa hoặc áp đặt kiểm soát trên biển, trên không ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các học giả Hoa Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.