Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều tham luận hướng đến mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh trong khu vực

Quỳnh Dương| 19/01/2018 11:32

(HNMO) - Sáng 19-1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) bước vào ngày làm việc thứ 2 với Phiên toàn thể 1, bàn về chính trị và an ninh.


Điểm lại kết quả ngày làm việc thứ nhất (18-1), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các đại biểu đã thống nhất cao chương trình nghị sự, chương trình hoạt động của APPF-26. Qua đó, Ủy ban soạn thảo sẽ xem xét các dự thảo Nghị quyết, Tuyên bố Hà Nội, Thông cáo chung, sửa đổi Quy chế APPF liên quan đến Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF và nhiều nội dung liên quan. Trong phiên họp sáng 19-1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 2 nội dung: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh phòng chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến sự phát triển trong nhiều thập kỷ qua, từ chỗ bị chia rẽ, đối đầu bởi Chiến tranh Lạnh đã dần đi vào quỹ đạo hòa bình, hợp tác, tạo tiền đề cho một thời kỳ phát triển năng động hơn. Hiện nay, Châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Đây là thành quả của những nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó APPF là một cơ chế có nhiều đóng góp quan trọng. APPF-26 diễn ra vào thời điểm thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới. Người dân ở mỗi nước đều kỳ vọng ở các nghị sĩ quốc hội, những người đại diện chân chính cho nhân dân có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho việc tập trung các nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, sự bình an của đất nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc xử lý các thách thức về hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cũng như về phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia; đưa ra nhiều ý kiến, chia sẻ, nhận định và đề xuất các biện pháp, sáng kiến nhằm nâng cao vai trò của APPF cũng như các quốc hội thành viên để giải quyết những thách thức này.

Đại diện cho đoàn Việt Nam tham luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển là trách nhiệm to lớn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của tất cả các thành viên APPF. Trong đó, hòa bình, an ninh quốc tế là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy các quyền cơ bản, hạnh phúc của con người trên thế giới. Việc xây dựng nền hòa bình bền vững phải dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của các dân tộc. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất 3 nội dung chính: Các nghị viện cần đóng góp vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật pháp; cần đưa quan điểm phát triển bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài cho các chính sách và biện pháp phát triển; APPF cần tiên phong trong việc củng cố hệ thống đa phương mở, tự do, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật pháp.

Trên tinh thần này, Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết "Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới" với những nội dung chính nhằm nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; kêu gọi tăng cường hợp tác, thực hiện các cam kết toàn cầu nhằm đối phó với các thách thức chung hiện nay; hiện thực hóa các trọng tâm đã được các nền kinh tế thống nhất tại APEC 2017, như thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, sáng tạo, bền vững, cân bằng.

Tại phiên họp, đại biểu các đoàn đã đưa ra nhiều ý kiến, đề nghị liên quan tới mục tiêu xây dựng Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững. Đại diện đoàn Malaysia, Nghị sĩ Dato Anwar Nor đã đưa ra một số đề xuất nhằm gìn giữ hòa bình trong khu vực, trong đó có việc thúc đẩy các tuyên bố, thỏa thuận của ASEAN về hợp tác, thân thiện, không can thiệp tình hình nội bộ của nhau, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao đời sống của người dân trong khu vực, qua đó có thể duy trì sự ổn định một cách bền vững. Đặc biệt, về an ninh trên Biển Đông, đại biểu Malaysia đề nghị các vấn đề liên quan tới chủ quyền tại Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Malaysia ủng hộ các bên liên quan sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

* Chiều 19-1, Phiên toàn thể thứ hai sẽ diễn ra với nội dung bàn thảo tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại.

Cũng trong chiều 19-1, Ủy ban soạn thảo và các nhóm công tác sẽ có phiên làm việc liên quan tới những dự thảo nghị quyết, tuyên bố, thông cáo chung của hội nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tham luận hướng đến mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh trong khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.