Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Hà Nội vẫn xếp hàng mua bánh chưng ngon

Nguyễn Yến - KHĐS| 05/02/2010 10:51

Xếp hàng mua bánh chưng, giò chả Tết

Xếp hàng mua bánh chưng, giò chả Tết

Chị Nga (Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội) vì quá mê bánh chưng Quốc Hương nên dù nhà xa nhưng chị vẫn cất công bằng được lên số 9 Hàng Bông để đặt mua cho mấy ngày Tết.

“Cả năm mới có một cái Tết, bánh chưng lại là đồ ăn truyền thống không thể thiếu được. Vì vậy dù thế nào tôi cũng phải mua được loại bánh chưng ngon để thờ cúng tổ tiên và để cả gia đình cùng thưởng thức”, chị Nga tâm sự.

Cửa hàng bánh chưng, giò chả Quốc Hương ở Hàng Bông

Theo chị Nga, năm ngoái vào những ngày từ 25 âm lịch, đặc biệt vào ngày 29, khách hàng xếp thành hàng dài từ cửa hàng ra đến tận phố Lý Quốc Sư.  Đoạn đường Hàng Bông ở trước cửa hàng luôn phải có các bác dân quân đứng ra phân luồng để tránh tắc đường.

“Năm nay tôi sẽ mua bánh chưng sớm, từ ngày 25 để tránh phải xếp hàng lâu như năm ngoái”.

Không chỉ cửa hàng Quốc Hương, cửa hàng giò chả số 33 Hàng Bạc cũng luôn tập trung một lượng khách lớn vào những ngày giáp Tết. Đây là cửa hàng gia truyền đã làm giò chả lâu đời, vì vậy mặc dù ở trong ngõ sâu, diện tích ngõ chỉ khoảng 1m nhưng hàng ngày vẫn tấp nập khách qua lại.

Bác Bảo, chủ cửa hàng cho biết: “Nhà tôi không thuê người làm, vì sợ họ làm không quen, giò sẽ không ngon. Vì thế, mặc dù cả nhà tôi cùng làm giò chả nhưng mỗi ngày cũng chỉ được hơn 20 kg thịt lợn. Khách họ ăn ngon lại rỉ tai nhau đến ngày càng nhiều nên nhiều hôm chúng tôi không đủ hàng để bán’.

Chị Loan, một khách quen của nhà bác Bảo chia sẻ: “Năm ngoái, có người phải đến mấy lần mới mua được giò. Có người đứng xếp hàng từ sáng sớm mà vẫn phải về tay không. Nhiều người ngại chờ đợi vì ngõ chật, đường đông thì chấp nhận mua lại của người khác với giá cao hơn”.

Nếu trước đây chỉ ngày Tết mới được ăn chưng thì bây giờ, bánh chưng được bày bán quanh năm. Vì vậy, những loại bánh chưng, giò chả ngon mới được nhiều người tìm đến. Mặt khác, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lý do khiến người tiêu dùng kén hàng bán.

Chị Nga cho biết: “Sức khỏe con người là quan trọng. Thà phải mua với giá đắt hơn một chút, thậm chí phải xếp hàng nhưng ăn ngon, sạch sẽ, hợp vệ sinh còn hơn ăn những loại bánh không biết họ làm thế nào, luộc bằng than hay cho pin đèn vào nồi luộc bánh”.

"Đừng quảng cáo" vì tôi làm không xuể

Đa số các cửa hàng bánh chưng, giò chả được nhiều khách hàng ưa chuộng đều từ chối đặt hàng trước Tết vì sợ không cung ứng nổi.

Gói bánh chưng Tết.

Bà Chấn (chủ cửa hàng Quốc Hương) cho biết: “Ngày thường chúng tôi đã rất đông khách đến mua hàng rồi. Vì thế, đến Tết chúng tôi chỉ làm tăng sản lượng lên, chứ không nhận đặt. Hàng tôi chưa bao giờ ế nên nhận đặt làm gì cho phiền hà. Chỉ có những hàng ít khách họ mới phải nhận đặt vì sợ bánh làm ra không có người mua”.

Cửa hàng Quốc Hương bán quanh năm, ngày thường khách đã đông (tiêu thụ từ 200 - 300 tấm bánh chưng/ngày), nhưng ngày Tết càng đông hơn nữa (lên đến hàng vạn tấm), giò chả cũng hàng ngàn cân.

Theo bà Chấn, năm nay mặc dù giá cả có tăng hơn năm ngoái, nhưng cửa hàng của bà rất ít khi tăng giá, lấy công làm lãi là chính, lấy lượng bán đông để bù lại, nên khách hàng rất tín nhiệm.

Hiện mỗi chiếc bánh chưng được bán với giá 30.000 đồng/chiếc. Giò lụa và chả đang bán giá 120.000 đồng/kg, giò bò 130.000 đồng/kg; thịt bò khô 350.000 đồng/kg.

Bánh chưng Quốc Hương sở dĩ được nhiều người biết đến vì bánh có vị mặn mà, ăn dẻo và xanh bánh. Theo bà Chấn, điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng chính là nguyên liệu, vì vậy phải được lựa chọn kỹ càng.

Lá gói bánh phải rửa sạch, xanh mướt, gạo nếp cái hoa vàng loại 1, hạt mọng căng; đỗ xanh ngon được đãi vỏ kỹ; thịt lợn tươi một phần mỡ hai phần nạc... tất cả đem vào khuôn gói thành những chiếc bánh chưng vuông vức, luộc kỹ, nên bánh rất rền và dẻo, nhiều nhân, thơm phức. Hàng làm ra ngày nào, tiêu thụ hết trong ngày đó nên rất mới và ngon.

Giống như bác Chấn, cửa hàng bác Bảo cũng là cửa hàng giò chả “cha truyền con nối” ở Hà Nội. Ngoài việc làm ngon, bác Bảo còn rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh vì có sạch sẽ người ăn mới có cảm giác ngon.

Chia sẻ bí quyết làm giò chả của mình, bác Bảo cho biết, muốn làm giò chả ngon thì cốt yếu là phải biết chọn thịt tươi, mềm, không bị bở. Thịt làm giò chả phải chọn thịt mông, thịt thăn từ con lợn khoẻ, để khi xay không bị ra nước và bã.

Thịt giết ra lấy ngay, còn nóng, sờ vào dính tay mới ngon. Sau đó quạt nguội miếng thịt mới cho vào xay. Phải xay bằng máy đánh tròn thì thịt mới mượt ra được. Sau đó gói từng chiếc, đun sôi nước và thả vào 15 phút.

Đặc biệt, không nên sử dụng các loại nước mắm ngon để làm giò vì nước mắm càng ngon càng có mùi khiến người ăn khó chịu.

Khác với các cửa hàng bánh chưng, giò chả khác, phải chưng những tấm biển to đùng nhân đặt hàng thì cửa hàng của bác Chấn, bác Bảo lại gần như rất sợ quảng cáo.

“Thực ra nếu ăn ngon thì lần sau người ta sẽ quay lại và tự giới thiệu khách cho mình. Chứ quảng cáo thì vừa tốn kém, hơn nữa khách ngày thường của hàng tôi đã rất đông rồi, nên dịp Tết tôi sợ không đủ hàng để bán”, bác Bảo tâm sự chân tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nội vẫn xếp hàng mua bánh chưng ngon

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.