Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho con đọc truyện tranh có nhiều cái lợi!

Quốc Bảo| 30/08/2010 14:52


Suốt tháng con nghỉ hè, bố mẹ quá bận công việc, bé Minh vừa “tốt nghiệp tiểu học” vùi mặt vào trang truyện tranh. Đọc đến quên cả trời đất, thỉnh thoảng lại cười phá lên ở trong nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Cầu Giấy – Hà Nội).


Mẹ bé Minh vui vẻ cho biết: “Hồi tôi bằng tuổi thằng nhỏ bây giờ, bố mẹ cũng cấm đọc truyện hoài, bị bắt gặp là ăn đòn ngay nhưng rốt cuộc bố mẹ cũng chẳng cấm được bao nhiêu. Tôi vẫn lén đọc, lên lớp mượn bạn bè hoặc dành tiền ăn sáng đi mướn về xem một hồi cho đã nghiền.

Từ bụng mẹ suy ra bụng con, con trai lại thích đọc truyện thì cứ để cho nó đọc. Vợ chồng tôi đem truyện tranh làm mồi dụ thằng bé chăm học. Muốn mua Doraemon, Thần đồng đất Việt, thám tử Conan, Đại náo Ô long tự, cứ đem nhiều điểm 10 về đây thì bố mẹ sẽ duyệt. Tất cả truyện con tôi đọc đến giờ; hơn 10 năm trước tôi và ông xã đều đã từng say mê đọc. Tôi hiểu được, ngăn con đọc truyện tranh là vô ích, còn khiến thằng bé cảm thấy khó chịu, khổ sở như thế nào”.

Ngược lại, mẹ Thanh có con trai học lớp 8 dở khóc dở cười kể: “Muốn cấm con đọc truyện cũng khó. Một hồi, tôi thấy con dán mặt và cuốn truyện tranh toàn đấm, đá, bịch, thụi bèn mắng cho nó một trận. Nó nghe lời răm rắp, bỏ đọc truyện sang dán mắt vào màn hình máy vi tính. Té ra, cu cậu đọc truyện trên mạng. Thế là thôi, đành mời ông ấy quay về đọc truyện giấy in cho đỡ hại mắt. Ít ra truyện giấy in tôi còn quản được con mình đọc gì chứ trên mạng Internet thì tôi hiểu ít lắm, không theo kịp bọn trẻ bây giờ”.

Đừng cấm con đọc truyện tranh

Các nhà xuất bản lớn ở Việt Nam như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, các nhà xuất bản khác trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có rất nhiều phiên bản truyện tranh, bao gồm cả việc liên kết cùng những đơn vị, công ty phát hành sách tư nhân.

Chiếm ưu thế trong mảng truyện tranh cho trẻ vẫn là các truyện tranh xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và gần đây là các tác phẩm Đại náo Ô long tự, Tiểu sử mới của Tam Mao của Trung Quốc cũng bắt đầu khuấy động và được trẻ đón nhận nhiệt tình. Truyện tranh do hoạ sỹ Việt Nam sáng tác cho đến nay ấn tượng nhất vẫn chỉ có Thần đồng đất Việt của Công ty Phan Thị.

Một trong vài thay đổi khá lớn của công nghệ xuất bản truyện tranh Việt Nam hiện nay chính là việc xuất hiện nhiều loại truyện tranh song ngữ, vừa có tiếng Việt, vừa có tiếng Anh nhằm đánh trúng vào tâm lý mong mỏi con “vừa chơi vừa học” của các bậc cha mẹ, khiến nhiều vị phụ huynh dễ chịu hơn khi móc tiền túi mua truyện cho con.

Một câu hỏi mà có lẽ nhiều bậc phụ huynh luôn đặt nặng trong tâm trí: “Tại sao trẻ đọc hầu hết các loại truyện tranh mà chúng thích, trong đó có thể có nhiều loại truyện có nội dung không phù hợp với trẻ con lắm chứ?

Và thực tế, bố mẹ rất lo ngại khi con đọc truyện tranh có các vấn đề sex, bạo lực, cái chết. Thế nhưng những nghiên cứu khoa học sau đó khẳng định: “Trẻ đọc truyện không chỉ đơn giản chỉ là vì hình vẽ, con chữ mà là thế giới cảm xúc, niềm đam mê sáng tạo, sức tưởng tượng phi thường đằng sau từng trang truyện”.

Nhìn nhận một cách khách quan, truyện tranh vẫn luôn có những ưu điểm không thể phủ nhận: “Truyện tranh là cây cầu nối những gì trẻ yêu thích trong lĩnh vực phim ảnh và đọc sách vì truyện có cả hình ảnh minh hoạ lẫn câu chữ. Câu chuyện và nhân vật chính trong truyện luôn được xây dựng trên quan điểm giá trị đạo đức mà xã hội ủng hộ khiến nhiều trẻ nhận thức và vô thức tiếp thu các bài học đạo đức, giúp đỡ mọi người, thẳng thắn trung thực, có trách nhiệm luôn đứng về phía lẽ phải...

Ngoài ra, truyện tranh còn khuyến khích trẻ bồi đắp trí tưởng tượng bằng những câu truyện chiến đấu giữa hai thế lực Thiện – Ác, các hình vẽ đẹp mắt giàu tính nghệ thuật... thôi thúc trẻ đóng vai bắt chước nhân vật trong truyện, kể lại nội dung câu truyện. Phát triển kỹ năng hội hoạ thông qua đam mê chép lại hình ảnh nhân vật trẻ yêu thích trong truyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho con đọc truyện tranh có nhiều cái lợi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.