Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc gia đình

Dung Nhi| 25/11/2010 06:18

(HNM) - Liệu có chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc gia đình hay không? Đây là những cố gắng mà các cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện, soạn dự thảo trình Chính phủ với mong muốn đưa ra những ràng buộc pháp lý, mối quan hệ lao động hài hòa, công bằng lợi ích giữa hai bên là chủ sử dụng lao động và người giúp việc.

Hướng dẫn học viên giúp việc gia đình cách di chuyển người bệnh bằng xe lăn tại Trung tâm Tri thức bách khoa giáo dục.


Chênh lệch lớn giữa người lao động và chủ nhà
Thực tế cho thấy nghề giúp việc gia đình bị thiệt thòi vì nhiều lý do như xa gia đình, cô đơn, phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như việc làm bấp bênh, khấu trừ lương trái phép, không được tôn trọng… Có trường hợp người giúp việc không hợp chủ khiến một tháng phải chạy "sô" đến năm địa chỉ khác nhau. Chính điều này đã khiến thị trường giúp việc gia đình luôn "cháy" trong khi nhiều người vẫn không có việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Hạnh (quê ở tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trong vòng 1 năm qua chị đã chuyển tới 7 người chủ vì những lý do như: không khéo chăm trẻ, chưa quen với đồ đạc trong nhà hoặc nấu ăn chưa đúng ý chủ… Đôi khi có những gia đình quá khó tính nên trong vòng 2 năm đã đổi tới 10 người giúp việc. Các lý do khác đưa ra là người giúp việc không biết lau nhà, giao tiếp chưa tốt, nấu ăn không ngon...

Viện Gia đình và giới cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động thiếu chuyên nghiệp, trình độ lại không có. Do không được đào tạo nên không có kỹ năng, khả năng thích ứng kém, dễ làm hỏng thiết bị trong gia đình chủ hoặc không biết làm những việc cơ bản nhất như chăm sóc trẻ hoặc người già. Bên cạnh đó là sự dễ dãi trong cam kết. Hầu hết các quy định về lương, thời gian làm việc đều là thỏa thuận miệng. Hiếm có trường hợp chủ nhà và người lao động làm hợp đồng lao động.

Thiếu ràng buộc pháp lý

Nghiên cứu về những người trước khi đi làm nghề giúp việc cho thấy, có khoảng 56% người cho biết trước đó họ có tham gia một công việc nào đó; 20% đang đi học; 19,3% không có việc làm và 4,7% ở nhà làm nội trợ; đặc biệt, có tới 79% có mức thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng. Một nghiên cứu khác về số lượng lao động giúp việc tại Thủ đô Hà Nội thì công việc chủ yếu của người giúp việc là trông trẻ em (khoảng 60%); 20% chăm sóc người già; 20% làm các công việc nội trợ. Trung bình, mức tiền công là 1,1 triệu đồng.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay  chưa có một khái niệm rõ ràng nào về nghề giúp việc gia đình và tại Việt Nam cũng thiếu một bức tranh tổng thể về nghề này. Thực tế lao động ở độ tuổi 12-15 đi làm nghề giúp việc rất nhiều, nhưng chưa được quan tâm, cơ quan chức năng cũng không có căn cứ xử lý chủ sử dụng lao động vi phạm.

Từ những bất cập trong thị trường lao động giúp việc hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng cơ sở pháp lý quản lý lao động giúp việc gia đình, đặc biệt là các quy định về tuổi của người lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quy định về lương cơ bản, chế độ thưởng, phạt…  Nhiều ý kiến đề xuất cần phải quốc tế hóa, chính thức hóa các điều luật về lao động giúp việc gia đình với lý do lao động giúp việc đóng góp đáng kể vào nền kinh tế toàn cầu nên cần có quy chế để bảo vệ họ. Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo nghề cho lao động giúp việc giống các nghề khác.


Hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách quản lý một cách thống nhất về lao động giúp việc và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2010. Nghị định này sẽ phân loại các loại hình việc làm gia đình tại Việt Nam, làm rõ các đặc điểm, tính chất về lao động giúp việc tại Việt Nam. Như vậy, trong tương lai gần Việt Nam sẽ chuyên nghiệp hóa đào tạo người giúp việc gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.