Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhãn chín muộn Đại Thành: Cần lắm một thương hiệu

Đào Huyền| 07/09/2011 07:28

(HNM) - Nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) đã trở thành giống quả chủ lực trong chiến lược phát triển cây ăn quả của Thủ đô những năm tới. Đây là giống nhãn chất lượng cao, có hương vị đặc biệt, lại chín muộn hơn nhãn đại trà một tháng, cho hiệu quả kinh tế cao


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt thăm vườn nhãn chín muộn Đại Thành tại trang trại Lại Dụ (Hoài Đức).


Trong chuyến kiểm tra mô hình cây ăn quả đặc sản mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã về Đại Thành, Quốc Oai, "quê hương" của giống nhãn chín muộn để tìm hướng phát triển giống nhãn quý này. Cây giống nhãn muộn HTM-1 ở xã Đại Thành có tuổi thọ trên 100 năm vừa được Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT công nhận chính thức là cây nhãn tổ thuộc giống cây đặc sản, có hương vị đặc biệt. Theo ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, toàn xã có trên 70ha trồng giống nhãn này, chủ yếu nằm trong các hộ gia đình, cho hiệu quả kinh tế cao, khoảng 130-150 triệu đồng/ha. Năm 2010, xã đã chuyển đổi gần 23ha sang trồng nhãn muộn, đây cũng là năm bội thu với gần 700 tấn nhãn, nếu tính giá bán bình quân từ 35-40 nghìn/kg, thì người dân Đại Thành thu được gần 10 tỷ đồng từ giống nhãn này. Đây là nguồn thu lớn ở một xã thuần nông. Kế hoạch năm 2011, xã Đại Thành sẽ chuyển đổi thêm 26ha vùng trũng, khó canh tác lúa sang trồng giống nhãn chín muộn này. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho biết, dự kiến một tháng nữa nhãn Đại Thành sẽ chín rộ, hứa hẹn một mùa bội thu. Để nhân rộng giống nhãn quý này tại địa phương, huyện dự kiến sẽ dành gần 2.000ha vùng bãi để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là nhân rộng diện tích nhãn chín muộn. Hiện, diện tích trồng nhãn chín muộn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng quy mô lớn nên chưa thu hút được bà con nông dân bảo tồn và nhân rộng.

Nhãn chín muộn không chỉ được trồng đại trà ở xã Đại Thành, mà còn được nhân giống, trồng tại các xã lân cận của huyện Quốc Oai, Hoài Đức. Trại cây Lại Dụ của ông Triệu Tiến Ích, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, Hoài Đức có hơn 800 cây nhãn sắp cho thu hoạch đang trĩu quả. Theo ông Ích, mỗi năm vườn nhãn trên cho thu hoạch hàng tỷ đồng. Ông Ích cho rằng, trồng nhãn muộn không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, giá một cây giống chỉ tương đương 1kg quả, quy trình chăm sóc không phức tạp như nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư phát triển đúng cách, nó sẽ là "mỏ vàng".

Bảo tồn giống và xây dựng thương hiệu

Mùa thu hoạch nhãn Đại Thành muộn hơn khoảng một tháng, tức là vào khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới cuối tháng 9, khi các loại nhãn khác đã hết mùa. Về chất lượng, quả nhãn ở đây ngon không kém nhãn lồng Hưng Yên, thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn, chất lượng không hề bị giảm nên người nông dân có thể chủ động trong thu hái. Năm nay được coi là năm bội thu của các giống nhãn thường, giá bán chỉ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, dự báo vào chính vụ, nhãn muộn Đại Thành sẽ giữ được giá bán, không bị ép giá, giá dao động từ 35-40 nghìn đồng/kg.

Song vấn đề hiện nay là cần sớm bảo tồn giống và xây dựng thương hiệu nhãn chín muộn cho cả vùng. Những năm gần đây, giống nhãn này bị chính người dân trong xã lãng quên, hầu hết gia đình chỉ trồng nhãn để ăn, nhiều hộ còn chặt cây nhãn để trồng các giống nhãn đúng vụ khác. Theo anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn Đại Tảo, người được mệnh danh là "vua" nhãn muộn Đại Thành thì việc bảo tồn giống nhãn này hiện là vấn đề cấp bách. Gọi anh Thành là "vua" nhãn muộn bởi anh là người đã dành hết tâm huyết để phục hồi và nhân rộng giống nhãn quý này. Nhà anh Thành có cây nhãn muộn trên 100 tuổi, mọi người trong xã gọi đó là cây nhãn tổ. Hiện, trang trại trồng nhãn của anh có diện tích 6.500m2 gồm 120 gốc nhãn 15 năm tuổi. Mỗi năm anh thu hoạch hàng chục tấn quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh Thành còn có những khu vườn để nhân giống, cung cấp cây giống cho thị trường. Anh Thành cũng đã đi đăng ký thương hiệu cho cây nhãn chín muộn và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu "Nhãn chín muộn Đại Thành". Song theo quy định mới của Cục Sở hữu trí tuệ thì thương hiệu đó chỉ là thương hiệu mang tính cá nhân, với diện tích nhỏ quy mô gia đình, chứ chưa phải là thương hiệu của một vùng. Để có thương hiệu cho cả vùng, cần có quy mô sản xuất lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chỉ đạo, thời gian tới để đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội giai đoạn 2011-2015 mang lại hiệu quả, các địa phương cần đẩy nhanh dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, xác định cây chủ lực để có hướng phát triển. Riêng về giống nhãn chín muộn, UBND huyện Quốc Oai cần có kế hoạch xây dựng và nhân rộng giống nhãn này. Sở NN&PTNT, Trung tâm Giống cây trồng cần có chính sách hỗ trợ giúp địa phương tạo những vùng nhãn chín muộn, hướng tới xây dựng thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhãn chín muộn Đại Thành: Cần lắm một thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.